Những ngày này, cả làng túc cầu đang sôi sục trước thông tin 12 đội bóng lớn muốn thành lập giải đấu riêng với tên gọi European Super League.
Về phần UEFA và FIFA, dĩ nhiên hai tổ chức này kịch liệt phản đối kế hoạch do chủ tịch Florentino Perez khởi xướng. Nhiều thông tin cho hay, các đội tham dự European Super League sẽ bị cấm tham gia hệ thống các giải thuộc UEFA, đồng thời các cầu thủ thuộc biên chế những đội bóng này cũng sẽ không được triệu tập lên đội tuyển quốc gia nữa.
Hiển nhiên, các đội bóng lớn cũng phần nào lường trước được hậu quả nếu kiên quyết theo đuổi giấc mơ thành lập siêu giải đấu. Vậy nhưng tại sao họ vẫn bất chấp rủi ro? Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó đến từ kế hoạch thay đổi thể thức thi đấu Champions League của UEFA.
Bộ dạng mới của Champions League kể từ năm 2024
Kể từ năm 2024, mỗi mùa Champions League sẽ có 36 đội tham dự chứ không phải 32 như hiện tại. Và thay vì chia nhóm, chọn ra đội nhất nhì để đi tiếp, vòng bảng sẽ diễn ra theo một thể thức hoàn toàn mới.
Cụ thể, 36 đội bóng sẽ thi đấu như một giải vô địch quốc gia, mỗi đội đá 10 trận, 8 đội dẫn đầu sẽ giành được tấm vé bước vào vòng trong. Còn với các đội xếp ở vị trí từ 8 đến 24, họ sẽ phải tham gia loạt trận play-off để xác định đội đi tiếp. Đáng chú ý, loạt trận play-off cũng sẽ đá 2 lượt đi và về.
Có một sự thay đổi nữa, đấy là các trận đấu tại Champions League từ mùa giải 2024/25 sẽ diễn ra vào thứ Năm, thay vì thứ Ba và thứ Tư như hiện tại. Và không chỉ Champions League, Europa League cùng với Conference League cũng sẽ diễn ra theo thể thức mới này.
Giọt nước tràn ly khiến các ông lớn muốn “say goodbye” với UEFA
Rõ ràng những thay đổi của Champions League mang tới cho các đội bóng lớn nhiều gánh nặng hơn trước. Họ vốn đã phải căng sức để tham gia chinh chiến trên nhiều mặt trận, và thể thức mới càng khiến cho số trận đấu mà các cầu thủ phải đá trong một mùa tăng lên thêm nữa.
Áp lực gia tăng cho các ông lớn
So với các CLB nhỏ, những đội bóng hàng đầu châu Âu luôn chịu áp lực rất lớn từ thành tích mỗi mùa. Song song với đó, quỹ lương của nhóm các ông lớn châu Âu vì thế luôn phình to để “nuôi” những siêu sao trong đội hòng đạt được mục tiêu tranh danh hiệu. Nói cách khác các siêu sao là tài sản quan trọng của mỗi đội bóng lớn
Việc các trận đấu diễn ra vào ngày thứ Năm sẽ làm cho các cầu thủ có ít thời gian để nghỉ ngơi hơn. Nguy cơ chấn thương của các cầu thủ, các trụ cột trong đội bóng chắc chắn sẽ gia tăng, từ đó, một loạt chi phí khác cũng sẽ xuất hiện.
Nhưng quan trọng hơn, lực lượng sứt mẻ sẽ trực tiếp tạo ra thêm nhiều những thách thức cho họ tại đấu trường quốc nội. Hiển nhiên khi mà hoàn cảnh trở nên khắc nghiệt hơn, cơ hội đoạt danh hiệu sẽ giảm xuống, và điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới vị thế của họ tại đấu trường quốc nội. Mà một khi vị thế bị ảnh hưởng, giá trị thương hiệu của họ cũng sẽ vì đó mà bị kéo xuống.
Mâu thuẫn vì lý do tiền bạc
Ai cũng hiểu, lý do thực sự mà UEFA muốn tăng số đội tham dự Champions League lên là để tăng cường nguồn thu. Các đội bóng nhỏ vốn hiếm khi hoặc thậm chí chẳng bao giờ được tham dự đấu trường danh giá này dĩ nhiên sẽ rất ủng hộ kế hoạch này.
Vậy nhưng đứng từ góc độ của những câu lạc bộ hàng đầu, họ nhìn nhận rằng Champions League sẽ kém danh giá hơn khi có tới 36 đội được quyền dự giải. Chưa hết, trong khi họ phải căng sức để đá nhiều hơn, thì tiền bản quyền truyền hình – một nguồn thu quan trọng với mọi đội bóng, lại được phân bổ bất hợp lý.
Có thể thấy, rất nhiều hệ lụy xấu sẽ xảy đến với các câu lạc bộ, và họ chính là người phải gánh chịu những hệ lụy ấy chứ chẳng phải là UEFA – những người đề ra sự thay đổi này. Vậy thì đứng từ góc độ lợi ích, có lý do nào để không quyết định không ly khai?
Hơn nữa với European Super League, các câu lạc bộ lớn hứa hẹn sẽ có thể kiếm được bộn tiền. Trong bối cảnh những tác động từ COVID-19 khiến cho nền kinh tế của mọi đội bóng đều bị ảnh hưởng nặng nề, việc tham dự siêu giải đấu này sẽ là một phương án khắc phục chẳng thể tuyệt vời hơn.