European Super League là gì?
European Super League hay còn được gọi với cái tên Super League là một siêu dự án được 12 câu lạc bộ (CLB) hàng đầu châu Âu cùng nhau thành lập. Theo đó, các ông lớn sẽ được chạm trán nhau một cách thường xuyên hơn. Giải đấu này hi vọng sẽ thu rất nhiều khán giả cũng như thu được nguồn lợi nhuận vô cùng khổng lồ mà những giải đấu trước không thể đem lại.
Các đội bóng được cho là đã đồng ý gia nhập Super League là: Real Madrid, Barcelona, Atlético Madrid, ACMilan, Arsenal, Chelsea, Inter, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham. Florentino Pérez là chủ tịch đầu tiên của giải đấu.
Ngoài 12 đội bóng kể trên, sẽ còn có thêm 3 đội bóng khác được mời vào nhóm 15 CLB kể trên.
Thể thức của European Super League
- 20 CLB sẽ tham gia, bao gồm nhóm 15 CLB sáng lập và 5 đội bóng khác sẽ được phân loại mỗi năm dựa trên thành tích thi đấu của mùa trước.
- Tất cả các trận đấu của Super League diễn ra trong tuần với mong muốn các CLB tham gia có thể tiến hành các trận đấu thuộc giải VĐQG của mình vào cuối tuần.
- Mùa giải Super League sẽ bắt đầu từ tháng 8. Mỗi CLB sẽ được chia đều qua 2 bảng đấu – mỗi bảng 10 đội và thi đấu vòng tròn. 3 đội dẫn đầu của mỗi bảng sẽ được vào thẳng vòng tứ kết.
- Những đội xếp thứ 4 và 5 sẽ tham dự những trận play-off với thể thức lượt đi lượt về để tìm ra 2 tấm vé cuối cùng vào vòng tứ kết. Trận chung kết sẽ diễn ra trên sân trung lập vào tháng 5.
- Ngay khi Super League của nam diễn ra, giải Super League dành cho các cầu thủ nữ cũng sẽ khởi tranh.
Vì sao các ông lớn châu Âu muốn thành lập Super League?
Do đại dịch Covid 19 khiến tình hình kinh tế của nhiều đội bóng rơi vào sự bất ổn nặng nề. Trong nhiều năm qua, nhóm các CLB “khai quốc công thần” đã “nung nấu” ý tưởng nâng cao chất lượng của các giải đấu và cải thiện mật độ ở những giải đấu châu Âu hiện tại.
Như đã nói, “giới thượng tầng” của bóng đá châu Âu luôn muốn cố gắng tạo ra một giải đấu mà những CLB hàng đầu và các cầu thủ ngôi sao được cạnh tranh với nhau thường xuyên hơn.
Đại dịch toàn cầu cho thấy một tầm nhìn rất khác so với cách nghĩ làm bóng đá một cách thông thường.Hơn thế nữa, “bóng đá theo thương mại” là hoàn toàn cần thiết để làm tăng giá trị cho mỗi đội bóng.
Ngoài ra, Các CLB sáng lập tin rằng giải pháp mà các cơ quan quản lý bóng đá châu Âu đang đề xuất không giải quyết được các vấn đề cơ bản. Thì Super sẽ khắc phục nhiều vấn đề còn bất cập như nhu cầu tăng cường những trận đấu có chất lượng cao mang về lợi ích cho toàn bộ thế giới bóng đá.
Tiền thưởng cho Super League chắc chắn sẽ cao hơn hệ thống các giải cúp châu Âu hiện tại và được cho là sẽ vượt mốc 10 tỷ euro.
Mặt khác, giải đấu mới này được xây dựng với tiêu chí bền vững tài chính khi các CLB cam kết áp dụng một khuôn khổ chi tiêu. Ngược lại, các CLB sáng lập sẽ nhận được lợi ích gấp 3 lần các đội khác.
Vì sao UEFA và FIFA quyết ngăn cản sự ra đời của Super League?
Sự ra đời của Super League chắc chắn sẽ khiến dự án tăng lên 36 đội của Champions League không thể thực hiện được. Không những vậy, nó còn tạo ra một khoảng cách cực lớn về doanh thu, danh tiếng và hình ảnh của các CLB lớn so với phần còn lại của thế giới bóng đá.
Đáng nói hơn việc các ông lớn châu Âu bỏ Champions League để đá European Super League cũng sẽ khiến sự quan tâm của công chúng với đấu trường danh giá nhất châu Âu sụt giảm trầm trọng. Điều này chắc chắn kéo theo hệ quả là doanh thu của UEFA sẽ chạm đáy. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến tổ chức này cũng như FIFA quyết tâm ngăn cản sự ra đời của Super League.
Trong thông báo mới nhất của mình, UEFA khẳng định sẽ làm mọi cách để ngăn chặn sự bành trường của các CLB lớn. Đồng qua điểm, FIFA cũng được cho là vô cùng tức giận trước sự ra đời của Super League.
UEFA, FIFA và các Liên đoàn bóng đá Anh, Ý, Tây Ban Nha cho rằng Super League sẽ “gây tổn hại cho bóng đá”. Họ tuyên bố sẽ cấm thi đấu ngay lập tức các CLB gia nhập Super League, và cầu thủ của những CLB này có thể sẽ không được triệu tập lên ĐTQG.
“European Super League sẽ làm giảm độ hấp dẫn trong các trận đấu, gây ảnh hưởng nặng nề cho kế hoạch hiện tại và tương lai của Ngoại Hạng Anh. Chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để bảo vệ sự phát triển của bóng đá Anh”, LĐBĐ Anh cho biết.
“Chúng tôi cảm ơn các CLB ở Đức và Pháp từ chối tham gia dự án này. Những người hâm mộ bóng đá hãy cùng chúng tôi đấu tranh để chống lại European Super League”, LĐBĐ Tây Ban Nha nhắn nhủ.