Robin Olsen được đánh giá là thủ môn có số má, giàu kinh nghiệm, anh sẽ cạnh tranh vị trí với Jordan Pickford. Trước đó, đội chủ sân Goodison Park đàm phán chiêu mộ Sergio Romero của MU và Paulo Gazzaniga của Tottenham nhưng không thành công, sau đó họ đã ngỏ lời mượn thủ thành của AS Roma và được đáp ứng.
Robin Olsen là ai?
Robin Olsen tên đầy đủ là Robin Patrick Olsen, anh sinh ngày 8/1/1990 tại Malmo, Thụy Điển. Thủ môn cao 1m96 này đang thuộc biên chế CLB AS Roma, nhưng mới được Everton mượn ở mùa giải 2020/2021. Anh cũng là thủ môn số 1 của Thụy Điển từ năm 2015 đến nay, với 38 lần ra sân cho đội bóng áo vàng.
Sự nghiệp, tiểu sử Robin Olsen
Ngay từ lúc 7 tuổi, Robin Olsen đã tham gia đội trẻ của CLB địa phương Malmo. 10 năm sau, anh có trận thi đấu chuyên nghiệp chính thức đầu tiên ở độ tuổi 17 trong màu áo IF Limhamn Bunkeflo. Năm 2012, anh quay lại thi đấu cho CLB thuở ấu thơ là Malmo. Robin Olsen thi đấu ở đây 3 năm và chuyển sang PAOK tại Hy Lạp. Khoảng thời gian tại đây không mấy sáng sủa với Olsen, anh thể hiện bộ mặt kém cỏi và bị mang sang Copenhagen dưới dạng cho mượn.
Tuy nhiên, tại đây chàng thủ môn sinh năm 1990 thi đấu thăng hoa và được CLB Đan Mạch mua đứt. Kết thúc giải đấu tại xứ sở bạch dương, giá trị của Robin Olsen tăng như diều gặp gió. Dĩ nhiên, chiếc áo Copenhagen mà anh đang mặc cũng trở nên chật chội hơn.
Mùa hè đang nhớ trên đất Nga
Mùa hè năm 2018 chắc chắn là khoảng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp của Robin Olsen. Trên đất Nga, Thụy Điển bằng lối chơi phòng ngự kiên cường, đã tiến thẳng vào tứ kết World Cup. Hành trình của Những chàng cướp biển Viking chỉ dừng lại khi gặp đội tuyển Anh với thế hệ vàng đầy tài năng: Harry Kane, Kyle Walker, Sterling,… Tại vòng bảng, đội bóng Bắc Âu xếp trên cả Mexico, Hàn Quốc và đặc biệt là nhà ĐKVĐ Đức để đứng đầu bảng.
Trong hành trình kì diệu ấy, mảnh lưới của các cầu thủ áo vàng đã bị rung lên 4 lần ở 2 trận đấu với Đức và Anh. Ở 3 cuộc đối đầu còn lại, không ai có thể đánh bại được Olsen. Phải kể thêm, sự vững chắc của hàng thủ Thuỵ Điển ghi đậm dấu ấn của 2 trung vệ Andreas Granqvist, Victor Lindelof và chốt chặn cuối cùng là người nhện Robin Olsen.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng AS Roma
Trước màn trình diễn tuyệt vời tại World Cup, Robin Olsen được đưa về AS Roma để thay thế cho thủ môn Alisson chuyển qua thi đấu cho Liverpool.
Đến môi trường bóng đá mới, những thử thách đã ngay lập tức đến với thủ môn cao 1m96 này. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống khiến thủ môn người Thụy Điển không kịp hòa nhập. Việc các đồng đội thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Italia cũng khiến Olsen dường như bị cô lập hoàn toàn, và ở trên sân, anh cũng gặp khó trong việc chỉ huy hàng thủ. HLV Di Francesco vẫn tin tưởng anh, đơn giản là vì ông không có sự lựa chọn nào khác khi Antonio Mirante đã luống tuổi và trình độ chuyên môn cũng không cao.
Bi kịch thật sự đã đến với Robin Olsen khi HLV Di Francesco bị sa thải. Claudio Ranieri ngồi vào ghế nóng và đã có cái nhìn khác về người khổng lồ xứ Scandinavia. 4 bàn thua mà anh phải nhận khi đối đầu với Napoli ở trận Derby del Sole như giọt nước làm tràn ly, khiến Gã Thợ Hàn ra quyết định mạnh tay. 1 tuần sau, Antonio Mirante chiếm chỗ Robin Olsen đứng trước khung gỗ của Giallorossi và kể từ thời điểm ấy, các Romanista không còn thấy chàng thủ môn sinh năm 1990 xuất hiện trên sân nữa.
Điều này xem như dấu chấm hết cho giấc mơ thi đấu ở môi trường đỉnh cao của Robin Olsen. Người mà trước đó chỉ thi đấu ở các giải đấu tầm trung như Đan Mạch, Hy Lạp và chưa từng được hít thở bầu không khí đỉnh cao tại các quốc gia hàng đầu.
Khi đã không thích một cái tên nào đó, người ta thường tìm đủ mọi lý do. Các fan Roma cũng vậy. Đã không ít lần họ chê anh bảo thủ, quá tự tin vào chiều cao của mình. Cũng chẳng ai đếm được đã có bao nhiêu lời chửi bới được gửi đến anh sau mỗi bàn thua. Việc Giallorossi để thủng lưới đến 46 bàn tại Serie A và bị loại khỏi Coppa Italia sau khi thảm bại 1-7 trước Fiorentina có lỗi lớn của Robin Olsen, nhưng họ không để ý rằng Federico Fazio, Aleksandar Kolarov ngày càng chậm chạp. Còn ở tuyến trên, nhà vô địch World Cup Steven N’Zonzi không còn là “hòn đá tảng” như tại Sevilla nữa.
Các fan còn viện cớ rằng anh không chịu học tiếng Italia để giao tiếp tốt hơn với các đồng đội. Cuối cùng, chính vì họ quá nhớ Wojciech Szczesny và Alisson Becker nên đã kì vọng gã khổng lồ Thụy Điển cũng sẽ đạt được trình độ như tương tự như 2 cái tên xuất sắc trên.
Cứ mỗi lần khung thành của AS Roma bị rung lên, tất cả đều gán trách nhiệm cho chàng thủ môn Thuỵ Điển tội nghiệp. Robin Olsen mắc lỗi nhưng nếu nhìn rộng ra, lỗi lớn nhất chắc hẳn phải thuộc về ban lãnh đạo của AS Roma. Bởi họ đã quá vội vàng khi ký hợp đồng với anh chỉ sau 1 mùa World Cup thành công với tổng cộng 5 trận đấu. Đối với người gác đền sinh năm 1990, đây là cơ hội để anh bước ra ánh sáng sau nhiều năm chỉ quanh quẩn ở những đội bóng không được đánh giá cao và tất nhiên, anh không thể từ chối.
Cơ hội nào cho Olsen tại Everton?
Rõ ràng, việc Olsen chuyển đến Everton mang tính chất khích tướng cho Pickford nhiều hơn là một sự thay thế. HLV Ancelotti cần một cái tên đủ đẳng cấp để làm động lực cho thủ thành số 1 đội tuyển Anh thi đấu tập trung hơn, Robin Olsen là người như vậy. Ngoài ra, dự bị cho Pickford còn có Joao Virginia, thủ môn thường xuyên thi đấu cho các đội trẻ của Bồ Đào Nha và Jonas Lossl, tuyển thủ Đan Mạch.
Olsen chỉ là 1 bản hợp đồng cho mượn, nhưng biết đâu, anh chiếm luôn suất bắt chính như Dean Henderson từng làm tại Sheffield United. Cùng Thethaoso chờ màn thể hiện của người khổng lồ Thụy Điển này nhé.
Xem thêm: Top ghi bàn bóng đá Anh mọi thời đại