Với các khán giả thông thường, nếu nhận được câu hỏi vai trò mà chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá đảm nhiệm là gì, dám chắc nhiều người chỉ có những kiến thức rất mơ hồ về chuyện này.
Thế nhưng với các fan Tottenham, họ hiểu rất rõ ý nghĩa của ba chữ “chủ tịch Tottenham” là lớn đến thế nào.
Daniel Levy và 3 lần thâu tóm Tottenham
Lần đầu tiên vị doanh nhân sinh năm 1962 nỗ lực hiện thực hóa tham vọng của mình với việc thâu tóm câu lạc bộ bắc London là vào 7/1998, nhưng ông đã bị chủ sở hữu của The Lilywhites khi đó là Alan Sugar từ chối.
Đúng 2 năm sau, ông tiếp tục thuyết phục Sugar, nhưng vị chính trị gia người Anh vẫn cho Levy một cách lắc đầu.
Tuy nhiên sau đó, sự phản đối của các cổ động viên Gà Trống đối với Sugar đã thuyết phục ông bán lại 27% cổ phần của mình.
Thời điểm mà nguồn tiền từ tập đoàn ENIC International Ltd chảy vào, đó cũng là lúc mà Daniel Levy được bổ nhiệm ngồi vào chiếc ghế chủ tịch Tottenham khi ấy là 2/2001.
Vị chủ tịch vĩ đại nhất
Không nghi ngờ gì nữa, vị chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử chắc chắn phải là Daniel Levy.
Dưới bàn tay của ông, Spurs từ chỗ chỉ là một câu lạc bộ hạng trung tại xứ sở sương mù, đã từng bước vươn lên vị thế của một gã khổng lồ nước Anh.
Trong triều đại của Daniel Levy, hàng loạt huấn luyện viên tên tuổi đã được đưa về, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Mauricio Pochettino.
Chính trong quãng thời gian làm việc với nhà cầm quân người Argentina, cả hai đã cùng nhau nâng Spurs lên một tầm cao mới.
Thường thì người ta chỉ hay nhớ đến Pochettino, thậm chí quy hết mọi công lao cho vị chiến lược gia trẻ tuổi này.
Tất nhiên, vai trò của ông là rất lớn, thế nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu hạ thấp tầm ảnh hưởng của Daniel Levy.
Theo Transfermarkt, đội hình hiện tại của Tottenham Hotspurs trị giá tới 738,55 triệu bảng.
Tuy nhiên, đừng quên Gà Trống không có những đồng tiền dầu mỏ như Chelsea hay Manchester City, họ cũng chẳng sở hữu cái két ‘Thạch Sanh’ như của Manchester United.
Để khiến cho Spurs được phát triển như ngày hôm nay, một đội bóng vừa có sân vận động mới khang trang, lại sở hữu sân tập tốt nhất nhì xứ sương mù.
Một hệ thống đào tạo trẻ chất lượng cùng một đội hình đủ sức thách thức những danh hiệu – hoặc chí ít là trở thành một kẻ ngáng đường khó chịu, công lao của Levy là rất lớn.
Việc làm sao để có thể liệu cơm gắp mắm, cân bằng được giữa những đòi hỏi ngày một lớn ở khía cạnh chuyên môn, nhưng cũng không để cho nền tài chính với tiềm lực hữu hạn bị ảnh hưởng, hiển nhiên chẳng phải là điều dễ. Nhưng Levy làm được, và thậm chí còn làm rất tốt là đằng khác.
Giữa vô số cái tài nơi Daniel Levy, điều khiến ông trở thành một nhà quản lý đại tài, đấy là khả năng nhìn người, dùng người.
Ngày Mauricio Pochettino mới tới bắc London, chắc hẳn với nhiều người, đây là một cái tên xa lạ.
Họ đã hoài nghi, rằng một vị chiến lược gia trẻ măng, mới chỉ dẫn dắt vỏn vẹn 2 câu lạc bộ là Espanyol cùng với Southampton liệu có đủ tốt để cầm lái hay không?
Thế nhưng Levy lại nhìn thấy ở Pochettino một điều gì đó đặc biệt, và quả thực ông đúng, còn phần đông thì sai.
Rồi khi mà Pochettino rời đi, việc Tottenham bổ nhiệm Jose Mourinho cũng tiếp tục khiến trong lòng các cổ động viên của đội bóng này xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Bản sắc của The Lilywhites là lối chơi tấn công, còn Mourinho lại là một bậc thầy phòng ngự.
Sau những gì Người Đặc Biệt đã trải qua tại Manchester United, người ta nghĩ rằng ông đã chẳng còn đặc biệt nữa.
Nhưng một lần nữa, Daniel Levy lại đúng, và giờ thì với cựu thuyền trưởng Porto trên băng ghế chỉ đạo, những con tim yêu Gà Trống thậm chí đã mộng mơ về ngai vàng mà Liverpool đang nắm giữ.
Họ hoàn toàn có cơ sở để mơ vậy, vì bây giờ binh đoàn do Mourinho dẫn dắt mới là người đang ngự trị trên đỉnh bảng xếp hạng, chứ không phải là Manchester City hay Liverpool như giới chuyên gia dự đoán trước thềm chiến dịch 2020/2021.
Cái tài nhìn người, dùng người của Levy còn thể hiện ở khâu chuyển nhượng nữa.
Lấy ví dụ trường hợp của Son Heung-Min, thời điểm họ chiêu mộ anh về từ Bayer Leverkusen, giá trị thị trường của Son là 15 triệu euro, còn con số mà họ phải trả cho đội bóng nước Đức thì gấp đôi chỗ đó.
Sau 5 năm, giá trị thị trường của tiền đạo người Hàn Quốc đang là 75 triệu euro, và nếu có một câu lạc bộ nào muốn đưa anh rời khỏi bắc London, e rằng số tiền phải bỏ ra sẽ không dưới 100 triệu euro.
Cuối cùng, hãy nói về lò đào tạo trẻ của Gà Trống. Khi nói về những cỗ máy sản xuất ngọc quý trên thế giới, Barcelona, Ajax Amsterdam hay Borussia Dortmund là những nơi nổi tiếng.
Thế nhưng, Tottenham cũng sở hữu một hệ thống đào tạo chẳng vừa, và nếu bạn cần minh chứng, thì đó là Harry Kane, Harry Winks, và đương nhiên rồi, cả Kyle Walker nữa.
Rõ ràng, chủ tịch Tottenham – Daniel Levy đã làm quá tốt công việc của mình trong suốt những năm tháng đã qua lèo lái đại diện bắc London.
Và như đã nói, dù xét trên khía cạnh nào đi nữa, ông xứng đáng được ghi tên vào sách sử của câu lạc bộ.