Sự nghiệp truyền hình
Có một điều khá thú vị về vị chủ tịch Liverpool này, trước khi kinh doanh bóng đá, ông hoạt động trong một lĩnh vực chẳng mấy liên quan, đó là truyền hình.
Năm 1973, vị doanh nhân này làm việc cho ABC-TV. Đến năm 1975 thì trở thành Giám đốc của East Coast Prime Time Development, rồi leo lên chức Phó chủ tịch cấp cao vào năm 1979.
Trong thời gian làm việc tại ABC-TV, ông đã tham gia vào sản xuất những chương trình khá có tiếng thời bấy giờ, đó là Mork & Mindy, Bosom Buddies, Soap và Taxi.
Năm 1980, Werner quyết định kinh doanh riêng, cùng Marcy Carsey thành lập công ty The Carsey-Werner.
Với hàng loạt chương trình thành công như The Cosby Show, A Different World hay Roseanne, sự nghiệp của Tom Werner lên như diều gặp gió.
Năm 1996, ông được giới thiệu tại Đại sảnh Danh vọng Truyền Hình.
Bén duyên cùng bóng chày
Thăng hoa với sự nghiệp truyền hình là vậy, thế nhưng Tom Werner cùng thể thao dường như có duyên với nhau.
Bước khởi điểm của ông trên chặng đường chinh phục những thách thức trong lĩnh vực mới này, đấy là khi vị doanh nhân người Hoa Kỳ và 14 nhà đầu tư khác cùng nhau mua lại câu lạc bộ bóng chày San Diego Padres của bà Joan Kroc – nữ thừa kế của chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonald.
Chỉ chưa đầy 6 tuần trên cương vị chủ sở hữu mới của câu lạc bộ, ông đã cố gắng quảng bá thương hiệu cho San Diego Padres trên những chương trình truyền hình cùng các bộ phim của mình.
Ông cũng mời Roseanne Barr đến để làm nóng không khí cho một buổi diễn tại sân bóng của câu lạc bộ.
Thế nhưng màn hát quốc ca thảm họa, cùng động tác nắm đũng quần và nhổ nước bọt trong khi đi ra khỏi sân của Barr đã mang tới tác dụng ngược.
Người hâm mộ đội bóng chỉ trích cô rất nhiều, và thậm chí, Barr còn bị xem là một trong những nữ diễn viên bị ghét nhất mọi thời đại.
Mọi chuyện tại San Diego Padres cũng chẳng quá suôn sẻ với Tom Werner. Sau những thành công ban đầu, đội bóng này trải qua quãng thời gian sa sút. Bên cạnh đó, họ cũng vướng vào những rắc rối pháp lý.
Năm 1994, Tom Werner bán lại 80% cổ phần cho John Moores. Đến năm 2007, ông tiếp tục nhượng lại 10% cổ phần cuối cùng của mình.
Kể từ thương vụ sang nhượng cổ phần năm 1994, sau đó 7 năm, Werner quyết định trở lại với bộ môn được ưa thích nhất nhì tại Hoa Kỳ khi tiến hành thâu tóm câu lạc bộ The Boston Red Sox.
Cũng trong năm 2001, Tom Werner cùng với John W.Henry, Les Otten và công ty The New York Times thành lập Fenway Sports Group.
Đây là công ty mẹ của The Boston Red Sox, cũng như là cả Liverpool nữa.
Hành trình 10 năm trên cương vị chủ tịch Liverpool
Vào năm 2010, Werner cùng các đồng sở hữu của Fenway Sports Group tiến hành mua lại Liverpool từ Ngân hàng Hoàng gia Scotland, khi mà giới chủ cũ của The Kops nợ tiền của ngân hàng này.
Vào ngày 25/11/2010, Tom Werner được công bố trở thành tân chủ tịch Liverpool, và sẽ chính thức thay thế vị trí của Martin Broughton vào ngày 1/12/2010.
Triều đại của Tom Werner cho đến lúc này thực sự có thể nói là thành công, bởi The Kops đã chấm dứt được cơn khát danh hiệu Vô địch Ngoại Hạng Anh kéo dài 30 năm dài đằng đẵng.
Cũng như một lần nữa lên ngôi tại Champions League ở mùa giải 2018/2019, sau quãng thời gian chờ đợi cũng rất dài kể từ lần gần nhất họ được nâng cao chiếc cúp tai voi vào mùa 2005/2006.
Dù vậy, trong quá khứ Werner cũng đưa ra những quyết định bị giới chuyên môn cùng người hâm mộ cho là sai lầm.
Hồi tháng 5/2012, vị chủ tịch Liverpool này đã trao trát sa thải cho tượng đài bất tử của đội – huyền thoại Kenny Dalglish.
Dù lúc đó phong độ của The Kops là không ổn, thế nhưng nhiều chuyên gia, bao gồm cả Alan Hansen của đài BBC đều tin rằng Dalglish xứng đáng có thêm cơ hội.
Theo Hansen, với việc đưa Liverpool từ vị thế của một đội bóng chỉ hơn nhóm cầm đèn đỏ 4 điểm, tới chỗ đoạt được danh hiệu League Cup, đồng thời lọt vào chung kết FA Cup, Dalglish đã thực sự thành công trong mùa giải 2011/2012.
Sau khi ‘trảm’ Dalglish, chủ tịch Liverpool Tom Werner đưa Brendan Rodgers lên băng ghế chỉ đạo.
Mùa giải 2013/2014, The Kops thực sự sở hữu một đội hình vô cùng mạnh, và họ cũng có cơ hội lớn để lên ngôi vô địch.
Thế nhưng hẳn tất cả vẫn còn nhớ, cú trượt chân đi vào lịch sử của người đội trưởng vĩ đại Steven Gerrard đã khiến cho tham vọng mà người Liverpool ấp ủ trong lòng tan thành mấy khói.
Mùa giải 2013/2014, Liverpool chỉ về đích thứ hai, nhưng dẫu sao, họ cũng đã một lần nữa được góp mặt tại đấu trường C1 sau 5 năm vắng bóng.
Đó có thể xem là một thành công của Brendan Rodgers, thế nhưng chỉ một mùa giải sau đó, ông nhận kết cục tương tự Dalglish, và người thay thế cầm quyền mới ở Anfield chẳng phải ai khác mà chính là Jurgen Klopp.
Xét lại quá khứ, có thể chủ tịch Liverpool Tom Werner đã sai khi không kiên nhẫn với Kenny Dalglish, chẳng cho Brendan Rodgers thêm thời gian, thế nhưng cũng vì đó nên Jurgen Klopp mới hiện diện tại Anfield.
Và nhìn vào những gì mà cựu thuyền trưởng Borussia Dortmund đang làm, những kế hoạch trong cả ngắn, trung lẫn dài hạn của ông cùng thượng tầng câu lạc bộ, không ai có thể bảo vị chủ tịch Liverpool này đã làm sai được.