Mohamed Salah đã giành được những vinh quang chói lọi trong đời một cầu thủ. Anh cùng Liverpool chinh chiến và xô đổ hầu hết các danh hiệu ở châu Âu.
Đối với bổn phận quốc gia, Salah đưa đội tuyển có lần đầu lọt vào VCK World Cup sau 28 năm chờ đợi.
Anh cũng chẳng kém cạnh gì người đồng đội Sadio Mane về tinh thần vượt khó và lòng bác ái.
Đó là lý do người dân Ai Cập phong cho anh lên hàng thần linh. Chỉ khác ở chỗ, vị thần này phải trải qua những sóng gió của cuộc đời để đi đến vinh quang như hiện tại.
Mohamed Salah là ai? Những câu chuyện truyền miệng về “vị thần linh” Ai Cập
Mohamed Salah Hamed Mahrous Ghaly sinh ngày 15 tháng 6 năm 1992 tại thành phố Basyoun, Ai Cập.
Nagrig, ngôi làng nhỏ nơi Salah sinh ra, là một khu vực tập hợp những người hộ gia đình nghèo khó.
Đó là nơi được bao bọc với những bức tường gạch đỏ, trải dài bằng những con phố với đầy đá và sỏi. Cuộc sống nơi đây mang một màu sắc rất bình dị.
Căn nhà 3 tầng của Salah tại đây cũng mang một vẻ bình dị như thế. Anh không trang hoàng cho ngôi nhà mình những thứ xa hoa.
Không như nhiều ngôi sao bóng đá khác có thói quen xây dựng bảo tàng thu nhỏ để trưng bày chiến tích tại quê nhà, nơi ở của Salah chẳng có dấu tích gì là của anh.
Theo lời kể từ một hàng xóm thân thiết, từ khi trở thành một siêu sao được biết đến trên toàn cầu, Salah đã phải dặn người nhà đừng tiết lộ quá nhiều với báo chí.
Tiền đạo của Liverpool lo sợ chỉ vì chút tiếng tăm của mình làm phá vỡ nhịp sống thanh bình của người dân nơi đây.
Không có bất kỳ tranh ảnh, áp phích hay bức tượng nào của Salah ở xung quanh.
Ngôi làng Nagrig cũng như bao khu xóm khác ở Ai Cập. Sống khép kín là thế, nhưng những dấu ấn của Salah tại đây mới chính là những gì mà người dân trân quý nhất.
Cầu thủ sinh năm 1992 là người đứng sau của dự án Azhari, một trường học dành cho nữ sinh với tổng chi phí là 8 triệu bảng Ai Cập.
Không chỉ có thế, theo lời kể của ngài thị trưởng Maher Shatiya, Salah còn là nhà tài trợ cho nhiều dự án từ thiện khác của các tổ chức y tế và các nhóm cộng đồng.
Bên cạnh những dự án thiện nguyện, vẫn còn một câu chuyện khác về chàng tiền đạo người Ai Cập khiến người nghe bất ngờ.
Dân làng Nagrig vẫn luôn miệng kể cho nhau việc Salah đứng ra để “se duyên” cho các cặp vợ chồng sắp cưới bị thiếu hụt kinh phí.
Mo Salah thường xuyên bỏ tiền để giúp các cặp đôi sắm đồ đạc chuẩn bị cho lễ cưới, với một điều kiện là không được công bố tên anh trước công chúng.
Và dù chưa có thông tin chính thức, đã có tới 400 gia đình trong làng thừa nhận từng nhận được sự trợ giúp từ cựu tiền đạo Chelsea.
Đã có rất nhiều câu chuyện nhân đạo được kể lại. Tất nhiên, do mục đích giúp đỡ từ trong tâm, Salah chưa bao giờ muốn công khai ra trước công chúng. Cho nên tất cả chỉ dừng lại ở mức truyền miệng.
Thế nhưng, cũng như các vị thần trong mỗi tôn giáo, câu chuyện về họ cũng khiến cho các tín đồ tin theo, dù rằng chẳng ai biết được tính xác thực.
Những “truyền thuyết” về Mo Salah cũng được tin tưởng theo cách như thế.
“Họ chẳng để ý đâu. Đơn giản, người dân đất nước này đều muốn tin những câu chuyện đó là thật. Salah đã chiếm trọn tình yêu của tất cả mọi người”, Omar Salem, một CĐV 29 tuổi chia sẻ.
Nghị lực đong đầy từ những chuyến xe bus
Năm 12 tuổi, Mohamed Salah gia nhập CLB Ittihad Basyoun. Anh đã có 1 năm ăn tập tại đây trước khi chuyển đến Othmason Tanta, một đội bóng khác nằm cách làng Nagrig tầm 1 giờ 30 phút đi xe.
Tanta chỉ là một đội bóng nhỏ với tiềm lực hạn chế. Họ chỉ được xem là nơi giúp cho những đứa trẻ Ai Cập có được động lực chơi bóng cần thiết, chứ không phải là chỗ tạo bước đệm để chúng vươn xa.
Do đó, năm 14 tuổi, Salah đã có một quyết định táo bạo hơn. Anh chấp nhận tốn 4 tiếng ngồi xe mỗi ngày để di chuyển tới Arab Contractors (tiền thân của Al Mokawloon), nơi có thể chắp cánh cho những hoài bão của anh.
Việc di chuyển 4 tiếng nghe có gì là táo bạo đâu? Chúng ta vẫn thường có những chuyến du lịch với quãng thời gian dài như thế trong mỗi kỳ nghỉ, và chỉ cảm thấy mệt mỏi đôi chút.
Tuy nhiên, khác với chúng ta là những người chỉ đi vài tháng 1 lần, Salah phải thực hiện những chuyến như thế trong gần như suốt cả tuần.
Trải qua 3-4 năm kể từ khi lên 14, tiền đạo người Ai Cập phải đều đặn bắt xe bus từ nhà tới sân tập 5 buổi/tuần.
Salah rút ngắn thời gian học xuống chỉ còn 2 tiếng/ngày để có thể đến sân kịp giờ.
Quyết định này cho thấy anh chấp nhận đặt cược tương lai vào sự nghiệp quần đùi áo số, một nghề đầy rủi ro và có tính cạnh tranh cực cao.
Sự vất vả trong những chuyến đi của Salah không chỉ được tính bằng thời gian.
Vì không phải cứ ngồi lên là xe sẽ chở thẳng đến nơi. Có nhiều lúc, Salah phải đổi tới 3 chuyến xe để có thể đi tới sân tập. Những hôm không may bị lỡ chuyến, anh lại phải bắt thêm 4,5 chuyến khác.
Vất vả là thế, song Salah chưa bao giờ nản chí. Hoàn cảnh khó khăn cùng niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá đã tạo thêm niềm vui cho mỗi chuyến xe của anh.
Trong thâm tâm, cầu thủ sinh năm 1992 luôn tin tưởng về một viễn cảnh thành công dành cho những kẻ dám mơ và dám thực hiện. Và đúng là, ông trời chưa bao giờ phụ lòng người.
Châu Âu đắm chìm trước hào quang của Pharaoh
Suốt 6 năm đầu quân cho Arab Contractors, tài năng của Salah đã được thể hiện rõ rệt. Anh nhận được sự chú ý từ Basel, một đội bóng lớn của Thụy Sĩ.
Tới năm 2012, anh được ông lớn của đất nước đồng hồ mời đến thử việc, trước khi ban lãnh đạo ấn tượng với khả năng và quyết định trói chân anh bằng một bản hợp đồng 4 năm.
Những năm tháng tại Thụy Sĩ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Salah.
Anh thi đấu tổng cộng 79 trận, ghi 22 bàn thắng và giúp Basel đoạt 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp.
Mo Salah đặc biệt có duyên với mành lưới Chelsea. Trải qua 2 mùa giải khoác áo Basel, chàng tiền đạo người Ai Cập liên tục ghi bàn vào lưới The Blues mỗi lần đối đầu tại 2 đấu trường Champions League và Europa League.
Điều này đã gây ấn tượng mạnh với giới điều hành tại Stamford Bridge.
Kết thúc mùa giải 2013/2014, Chelsea ngay lập tức đón Mohamed Salah về London.
Trong bối cảnh Juan Mata vừa chuyển sang Man United, Salah được HLV Mourinho hứa hẹn sẽ trở thành trụ cột của The Blues.
Thế nhưng, sau những lời đường mật đó, Salah lại liên tục bị tống lên ghế dự bị. Tất cả những gì cựu ngôi sao Basel làm được tại đây chỉ là 2 bàn thắng ít ỏi sau 13 lần ra sân.
Tại Stamford Bridge, Salah chỉ là lựa chọn thứ tư, xếp sau Hazard, Oscar, Willian và cả Schurrle.
Từ một cầu thủ được kỳ vọng, Salah bất ngờ trở thành người thừa trong đội hình của ông thầy người Bồ.
Anh sau đó đã bị đem đi cho Fiorentina và AS Roma mượn trước khi đội bóng thành Rome nhận ra tài năng và kích hoạt điều khoản mua đứt vào ngày 6 tháng 8 năm 2015.
Có thể nói, hành trình tại châu Âu của Mo Salah chẳng khác gì chuyến xe bus năm xưa đưa anh đến Arab Constructors. Salah không đi thẳng một mạch đến vinh quang.
Anh phải di chuyển theo một quỹ đạo hình tròn, với điểm bắt đầu là Basel, rồi sau đó băng qua các điểm dừng chân ở Chelsea, Fiorentina, AS Roma và bây giờ là đến Liverpool, nơi có những con người thực sự cần anh.
Điểm dừng chân của vinh quang
Không cần nói cũng biết Mohamed Salah đang thành công cùng Liverpool ra sao.
Cầu thủ sinh năm 1992 đang trải qua những năm tháng tươi đẹp nhất sự nghiệp cầu thủ tại Anfield.
Dưới bàn tay của Jurgen Klopp, Salah trở thành một trong những sát thủ đáng sợ nhất châu Âu.
Giới chuyên gia gọi anh là “Quý ngài kỷ lục”, vì hầu như mọi kỷ lục của Ngoại Hạng Anh và Liverpool đều bị anh xô đổ.
Salah là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất Premier League trong một mùa giải, là người giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất tháng” nhiều nhất của mùa bóng 2017/2018 với 3 lần được vinh danh.
Trước khi Salah cập bến Merseyside, người ta vẫn thường châm biếm về việc Ngoại Hạng Anh, một giải đấu được mệnh danh khắc nghiệt nhất hành tinh, lại chẳng có nổi một ứng viên lọt vào top 3 đề cử danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” trong một quãng thời gian dài.
Nhưng rồi, sự xuất hiện của Salah tại Anfield đã đem đến niềm tự hào cho xứ sương mù.
Tại The Best 2018, Salah về thứ 3, chỉ xếp sau 2 cái tên đã lên ngôi vô địch Champions League năm đó là Cristiano Ronaldo và Luka Modric.
https://www.youtube.com/watch?v=R4eg2upzRvI
Nhìn lại một thập kỷ chơi bóng chuyên nghiệp, có lẽ Salah chẳng thể ngờ mình lại tiến xa đến thế.
Những người dân Ai Cập tin rằng thành công Salah có được ở ngày hôm nay chính là những trái ngọt anh được ban tặng từ những việc làm bác ái.
Thế nhưng, những vinh quang đó sẽ chẳng thể tồn tại nếu như Salah không phải là người biết vươn lên, dám đấu tranh và dám thực hiện để đánh đổi cả vận mệnh tương lai vào những chuyến xe bus tưởng chừng như vô nghĩa năm xưa.
Người ta gọi Salah là thần cũng phải thôi. Vì chỉ có thần linh với làm được những điều phi thường như thế.