Nguồn gốc của sân nhà Chelsea
Theo thống kê từ Statista, Stamford Bridge là một trong những sân vận động lớn nhất tại Anh với sức chứa 40.834 chỗ ngồi. Khi mới khánh thành, sức chứa của nó chỉ là 5.000 chỗ mà thôi. Dù vậy, ở thời điểm năm 1877, Stamford Bridge là một công trình kiến trúc hoành tráng bậc nhất, và được sở hữu bởi một trong những Huân tước giàu có bậc nhất London.
Mặc cho được biết đến rộng rãi là sân nhà của CLB Chelsea, thế nhưng từ thời điểm Stamford Bridge mở cửa lần đầu tiên cho đến năm 1904, nơi này là sân nhà của CLB điền kinh London. Sau đó, Stamford Bridge được mua lại bởi anh em nhà Mears (Gus và Joseph). Ban đầu, sân được bán cho Fulham, thế nhưng The Cottagers đã nói không vì lý do tài chính. Sau đó, anh em nhà Mears đã thành lập nên CLB Chelsea. Họ thuê Archibald Leitch – một trong những kiến trúc sư danh tiếng hàng đầu lúc bấy giờ để giúp thiết kế sân. Leitch cũng là người đã thiết kế các sân Ibrox, Celtic Park và cả Craven Cottage – sân nhà của Fulham nữa.
Ban đầu, người ta sẽ đến Stamford Bridge bằng cách bắt xe lửa ở trạm đường sắt Chelsea và Fulham, tuy nhiên nó đã phải đóng cửa sau một vụ đánh bom trong Thế chiến thứ 2. Có một chi tiết khá thú vị, đó là anh em nhà Mears từng cân nhắc bán lại Stamford Bridge cho Công ty đường sắt Great Western. Nếu điều đó xảy ra thì có lẽ CLB Chelsea đã không được thành lập, và tất cả những điều tuyệt vời mà chúng ta được chứng kiến sau này hẳn đã không xảy ra.
Cấu trúc của sân Stamford Bridge
Thánh địa của Chelsea có 4 khán đài, đó là khán đài Đông, khán đài Tây, khán đài Matthew Harding và khán đài Shed End.
Khán đài Đông
Đây là khán đài lâu đời nhất của sân nhà Chelsea, được xây dựng với kiến trúc 3 tầng. Khi Stamford Bridge được cải tạo thành sân bóng đá vào năm 1905, khán đài Đông là khán đài duy nhất có mái che. Phòng thay đồ, phòng hội ý, phòng bình luận, trung tâm báo chí cũng như dãy phòng của ban lãnh đạo CLB, tất cả đều được đặt tại đây.
Trước đây, tầng dưới cùng của khán đài Đông từng là khu vực dành cho CĐV đội khách. Tuy vậy vào mùa 2005/2006, HLV Jose Mourinho đã yêu cầu thượng tầng CLB chuyển NHM nhà về khu vực này. Các CĐV đội khách sau đó được sắp xếp ở khán đài Shed End. Thời điểm hiện tại, sức chứa của khán đài Đông là hơn 11 nghìn chỗ.
Khán đài Tây
Giống với khán đài Đông, khán đài Tây cũng có kiến trúc 3 tầng. Đây được xem là bộ mặt của Chelsea khi nó là nơi đầu tiên mà các fan nhìn thấy nếu tiến vào Stamford Bridge bằng cổng chính được đặt tại đường Fulham.
Khán đài Tây sở hữu khu vực hành lang lớn nhất trong số các khán đài. Hành lang này thường được gọi là Đại sảnh, và là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của đội bóng như Lễ trao giải cầu thủ xuất sắc nhất năm chẳng hạn. Ngoài ra, khán đài Tây cũng được trang bị cả hệ thống sưởi ấm, và là nơi đặt hàng ghế VIP mà tỉ phú Abramovich vẫn hay ngồi mỗi khi dự khán. Tất nhiên, ‘hiện đại thì hại điện’, là nơi khang trang nhất tại SVĐ nên giá vé cho một chỗ ngồi tại khán đài này cũng là cao nhất.
Khán đài Matthew Harding
Khán đài Matthew Harding từng được biết đến là khán đài Bắc. Hẳn bạn đang tự hỏi tại sao nó lại có cái tên như vậy? Đáp án, đó là bởi khán đài này được đặt theo tên của ông Matthew Harding, một cựu giám đốc của Chelsea. Ông đã dùng tiền của mình để giúp đại diện tây London kịp thời xây dựng khán đài mới cho mùa giải 1996/1997. Đáng tiếc, người đàn ông đánh kính này đã qua đời vào ngày 22/10/1996 vì một tai nạn máy bay.
Sức chứa của khán đài Matthew Harding rơi vào khoảng xấp xỉ 11 nghìn chỗ ngồi, có cấu trúc hai tầng với chủ yếu là những CĐV đặt vé theo mùa. Trước đó vào năm 1976, khán đài này được thiết kế theo dạng bậc thang, và các CĐV chỉ có thể đứng để xem bóng đá mà thôi. Vào năm 1993, nó được đóng cửa và cải tạo lại để có bộ mặt như ngày nay.
Khán đài Shed End
Theo David Collis, một người hâm mộ đã dành tình cảm cho Chelsea trong hơn 50 năm, thì vào vào mùa giải 1966/1967, một vài cổ động viên đã bàn về việc Chelsea cần phải có một khu vực riêng để NHM có thể đứng sau các cầu thủ và cổ vũ cho họ nhằm cải thiện bầu không khí tại Stamford Bridge. Một cổ động viên nhiệt thành khi ấy là Clifford Webb đã viết một bức thư, kiến nghị nên lấy cái tên The Shed. Sau này, cái tên đó được đông đảo cổ động viên ủng hộ, vì thế khán đài phía nam được quyết định gọi là Shed End. Khán đài Shed End có 2 tầng với sức chứa khoảng gần 7 nghìn người.
Những thành tích Chelsea đạt được tại Stamford Bridge
Với bề dày lịch sử lên tới 115 năm của mình, Chelsea đã trải qua nhiều giai đoạn thịnh suy khác nhau. Thế nhưng có lẽ với phần đông người hâm mộ, khoảng thời gian 2004-2008 vẫn là đáng nhớ nhất, khi mà Stamford Bridge ngày ấy thực sự là một nơi mà không một CLB nào tại Anh muốn đến làm khách cả. Theo đó, họ đã từng có chuỗi 86 trận bất bại trên sân nhà tại Premier League và chỉ bị đánh bại bởi Liverpool vào ngày 26/10/2008 mà thôi. Trong số 86 trận này, The Blues thắng tới 62 trận và chỉ phải chia điểm 24 lần, tương đương với việc giành được 210/258 điểm tối đa.
Ngoài chuỗi trận khủng khiếp nói trên, sân Stamford Bridge còn chứng kiến nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ với NHM, dưới đây là một vài trong số đó:
- 18/08/2013: HLV Jose Mourinho đánh dấu ngày trở lại Chelsea của mình bằng chiến thắng 2-0 trước Hull City. Những người ghi bàn trong trận đấu đó là Oscar và Frank Lampard – thuyền trưởng đương nhiệm của đội bóng tây London.
- 18/04/2015: Manchester United hành quân đến Stamford Bridge với sự tự tin cực lớn khi đang sở hữu chuỗi 6 trận thắng liên tiếp. Dù vậy, Eden Hazard đã giúp Chelsea đánh bại Quỷ đỏ. 3 điểm có được trong trận đấu này đã giúp The Blues chỉ còn cách danh hiệu năm đó 2 thắng lợi mà thôi.
- 03/05/2015: Đây là ngày mà Chelsea mang chiếc cúp Premier League thứ 3 về phòng truyền thống sau chiến thắng 1-0 trước Crystal Palace.
- 16/08/2004: Ngày hôm đó chứng kiến màn chào sân hoàn hảo của Người Đặc Biệt với chiến thắng 1-0 trước MU.
- 08/04/2014: Ở trận lượt đi vòng tứ kết Champions League trên Parc des Princes, Chelsea đã để thua 3-1 trước Paris Saint Germain. Thế nhưng khi được đá trận lượt về tại thánh địa của mình, họ đã hạ gục đối thủ 2-0 để tiến vào vòng bán kết.
- 22/03/2014: Đây là ngày mà Chelsea đã biến trận đấu thứ 1.000 mà cựu HLV Arsene Wenger dẫn dắt Arsenal trở thành một cơn ác mộng. Trên sân nhà, The Blues đã bắn phá cầu môn của các vị khách tới 6 lần.
Phòng truyền thống tại sân Stamford Bridge
Vì là sân nhà của Chelsea từ những ngày đầu nên phòng truyền thống tại Stamford Bridge thời điểm hiện tại đang lưu giữ rất nhiều những kỷ vật chiến thắng khác nhau, trong số đó đáng kể nhất phải nói tới đó là:
- 6 chiếc cúp Ngoại Hạng Anh.
- 8 chiếc cúp FA.
- 5 chiếc cúp Liên đoàn.
- 2 chiếc cúp Europa League.
- 1 chiếc cúp Champions League.
Trên đây là một vài điều thú vị về sân Stamford Bridge mà Thethaoso muốn chia sẻ cùng quý độc giả. Nếu thấy hay, các bạn hãy tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi để luôn được cập nhật những diễn biến mới nhất của làng túc cầu nhé.