HLV Lê Thụy Hải – một con người “độc nhất vô nhị”
Trưa 7/5, HLV Lê Thụy Hải trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Gia đình vị HLV người Hà Đông (Hà Nội) đang chuẩn bị hậu sự tại nhà riêng.
Nói về sự nghiệp của vị cựu thuyền trưởng Becamex Bình Dương, có thể khẳng định HLV Lê Thụy Hải đúng nghĩa là con người của bóng đá. Thời cầu thủ, ông Lê Thụy Hải khoác áo đội Tổng cục Đường sắt có chuyến du đấu Sài Gòn thú vị với trận cầu đầu tiên năm 1976 đánh dấu cột mốc làng bóng Việt Nam sum họp.
Đến khi treo giày, ông trở thành một trong số ít HLV gặt hái nhiều thành công nhất làng bóng VN, với tiếng vang lớn là ba chức vô địch V-League (2007, 2008, 2014) cùng Becamex Bình Dương.
Là một vị chiến lược gia tài năng, nhưng ít ai biết ông Hải là HLV duy nhất “hành nghề” ở V-League mà không có bằng A HLV của AFC. Đây có lẽ là điểm khác biệt của ông so với các đồng nghiệp.
Ông giải thích: “Có những bạn có điều kiện để đi học thì nhiều bằng cấp, còn tôi trong lúc mọi người đi học được thì tôi lại phải đi làm kiếm tiền”. Điều này về sau khiến các đội bóng trên danh nghĩa phải đăng ký chức danh của ông là Giám đốc kỹ thuật để lách luật, dù thực tế ông vẫn là người nắm vai trò HLV trưởng ở đội.
Điểm đặc biệt tiếp theo đó là trong những năm tháng làm nghề, HLV Lê Thụy Hải thường xuyên được mời về khi các đội bóng đang gặp khó khăn, thi đấu bết bát ở V-League. Tổng cộng ông Hải “lơ” đã 5 lần nhận lời làm “thuyền trưởng” ở các con tàu sắp đắm. Đó là ở Bình Dương (vào các năm 2006, 2013, 2014), Vissai Ninh Bình (năm 2010) và Hải Phòng (năm 2012).
Con người của những phát ngôn “đặc biệt”
Nổi tiếng là một cầu thủ cá tính và khi bước sang nghiệp HLV, ông cũng là một HLV luôn có chính kiến, sẵn sàng “chỉnh” lại những ông bầu có suy nghĩ đổ tiền vào thì có quyền quyết tất cả, kể cả lấn át chuyên môn.
Bằng chứng là khi dẫn dắt một đội bóng ở Hà Nội, không hài lòng với ông bầu cứ can thiệp vào chuyên môn, ông Hải “bật” thẳng: “Nếu ông thuê tôi mà cứ muốn làm HLV thay tôi, đòi đưa cầu thủ này đá, cất cầu thủ kia đi, không tôn trọng phần chuyên môn của tôi thì ông ngồi vào làm HLV, tôi nghỉ ngay. Nhà tôi ở Hà Đông, cách Hà Nội vài chục phút đi xe, tôi về liền…”.
Năm 2004 khi dẫn dắt Hà Nội ACB, HLV Lê Thụy Hải từng tuyên bố trước mặt bầu Kiên rằng: “Nhà tôi Hà Đông rất gần, nếu cần chỉ vài chục nghìn xe ôm là về đến nơi” với ngụ ý rằng ông có thể nghỉ bất cứ lúc nào nên đừng ai mang chuyện sa thải ra để dọa mình.
Đối với cấp độ ĐTQG, ông Hải cũng không ngần ngại nói lên khuyết điểm. Năm 2015, vị cựu thuyền trưởng của Becamex Bình Dương “gây bão” khi chê HLV của U23 Việt Nam lúc bấy giờ là ông Miura chỉ là một nhà chiến lược gia hạng xoàng.
“HLV Miura không có bài vở gì cả”, ông Hải nhận xét trong một buổi phỏng vấn.
“Lâu nay, người ta cứ tung hô và ca ngợi HLV Miura xây dựng lối chơi nhỏ, phối hợp nhóm phù hợp tố chất cầu thủ Việt Nam, nhưng trận giao hữu với Olympic Indonesia có bài vở gì đâu, toàn chuyền bóng dài cơ mà. Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều ở khả năng thành công của đội tuyển Olympic Việt Nam dưới thời HLV Miura, đồng thời phải thay đổi tư duy làm bóng đá”.
Sự thẳng thắn trong cách phát ngôn chính là thứ đem đến cho HLV Lê Thụy Hải những thế lực đối lập. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, những lời nói được “Người Đặc Biệt phiên bản Việt Nam” thốt ra đều có ý muốn góp phần xây dựng một nền bóng đá nước nhà ngày một tốt hơn.
Đã nhiều lúc, những đánh giá của ông Hải khiến một số fan không hài lòng. Điển hình là vụ việc mỉa mai lứa U19 Việt Nam trong giai đoạn thầy trò Guillaume Graechen tạo ra cơn sốt bóng đá bằng lối chơi tấn công đẹp mắt.
“U19 Việt Nam đá đẹp mà không vô địch cũng vứt”, ông Lê Thụy Hải thẳng thắng nhận xét. Phát ngôn trên cũng ông đã gây nên một làn sóng phản đối kịch liệt vào thời điểm ấy, nhưng quả thật, những gì diễn ra sau đó lại ứng nghiệm với những gì nhà cầm quân gốc Hà Đông nhận định.
Đội bóng của bầu Đức liên tiếp về nhì ở các giải U19 Đông Nam Á 2013 và 2014, giải U22 – Cup nhà vua Brunei. Lực lượng nòng cốt của U19 Việt Nam bao gồm Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… sau đó cũng được đôn lên ĐTQG nhưng cũng chưa cho thấy sự hiệu quả, khiến bóng đá Việt Nam trải qua một thời kỳ dài trắng tay.
Mãi cho đến khi “vị cứu tinh” Park Hang Seo cập bến, lịch sử túc cầu của đất nước hình chữ S mới được lật sang trang mới. Tuy nhiên, giữa cơn say của sự thịnh vượng đó, người hâm mộ nước nhà vẫn nhớ “thầm” cảm ơn ông Lê Thụy Hải – người duy nhất dám đóng vai “kẻ phản diện” và nói lên những mặt tối để thay đổi cả một nền bóng đá.