Thánh Johan Cruyff – người đặt nền móng cho lò La Masia
Johan Cruyff, cựu đội trưởng và cũng là cựu HLV Barcelona được xem là người góp công lớn nhất trong việc tạo nên triết lý bóng đá đặc trưng của đội bóng xứ Catalan. Đó là sự kết hợp giữa lối chơi tấn công hoa mỹ dựa vào những đường chuyền tốc độ cao, khả năng kiểm soát bóng khéo léo của Tây Ban Nha và lối đá tổng lực dựa trên tinh thần đồng đội ở mức độ cao của Hà Lan.
Và triết lý bóng đá này cũng được áp dụng vào công tác đào tạo trẻ tại La Masia. Johan Cruyff đã giúp tất cả các học viên thấm nhuần cùng một cách chơi bóng, cách nhìn nhận về bóng đá, về cuộc sống cũng như vai trò của mỗi cá nhân với tập thể. Để rồi từ La Masia, Barcelona đã sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ có tài năng, nhân cách toàn diện bậc nhất của nền bóng đá thế giới.
Huyền thoại người Hà Lan, người duy nhất được phong “thánh” trong bóng đá đã nâng việc đào tạo lên một tầm cao mới. Tại lò La Masia, các học viên được ăn tập cùng nhau từ nhỏ như một gia đình. Những tài năng trẻ chỉ mới 10, 11 tuổi luôn xem các đồng đội như nhưng người anh em thân thiết khi cùng sống, sinh hoạt, học tập và rèn luyện tại đây.
Triết lý để chọn cầu thủ của La Masia cũng rất đặc biệt. Các tài năng trẻ cần phải thể hiện được tình yêu với bóng đá một cách mãnh liệt nhất. Chúng cũng cần có các kỹ năng chơi bóng tốt như cảm giác bóng; khả năng giữ vị trí; khả năng đọc tình huống; khả năng ra quyết định dưới áp lực cao; khả năng gây áp lực khi không có bóng.
Triết lý đào tạo làm nên thành công của lò La Masia
Khi được chọn, các cậu bé sẽ được Cruyff truyền dạy cách chơi bóng không phân biệt vị trí. Nó được gói gọn trong hai từ “tiki” (chuyền) và “taka” (chạy). Mọi cầu thủ từng trưởng thành tại La Masia đều có khả năng đưa bóng chính xác và di chuyển khôn ngoan để nhận lại bóng từ đồng đội. Ngoài ra thì các học viên của lò La Masia vẫn được học văn hóa, rèn luyện các kỹ năng sống khác để trở thành một con người có ích trong tương lai.
Một đặc điểm rất riêng của lò La Masia là ở đây, các cầu thủ không cần có thể hình vượt trội. Một lần nữa vai trò tiên phong của Johan Cruyff được thể hiện khi chính ông là người loại bỏ chính sách không dùng các cầu thủ dưới 1m80 của Barcelona.
Theo ông thì các cầu thủ quá to lớn sẽ mất đi sự khéo léo với bóng và thường sa vào các cuộc tranh chấp thể lực. Nó đi ngược với triết lý bóng đá tiki-taka mà ông và sau này là trò cưng Pep Guardiola áp dụng với Barcelona.
Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận ra những cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia thường rất thấp bé. Ngoài Pique thì những Puyol, Xavi, Messi, Pedro, Iniesta,… đều thấp dưới 1m80. Tuy nhiên họ lại có sự khéo léo, tốc độ cũng như khả năng xử lý bóng cực nhanh nhẹn và chính xác.
Lò La Masia – Từ “trang trại của Barca” tới học viện bóng đá số một thế giới
La Masia theo tiếng Catalunya có nghĩa là “trang trại”. Và theo đúng nghĩa đen, đây là một trang trại trước khi trở thành cơ sở đào tạo trẻ chính của Barcelona vào năm 1979. Học viện bóng đá trẻ của Barcelona ra đời theo đề nghị của Johan Cruyff trong những năm cuối thi đấu cho Barcelona với cố chủ tịch Josep Lluis Nunez. La Masia ban đầu có khởi đầu khá khiêm tốn và chưa gây được tiếng vang ở nền bóng đá thế giới.
Mãi đến khi “thánh Johan” trở lại dẫn dắt Barca năm 1988, La Masia mới dần cho ra đời những lứa cầu thủ tài năng đầu tiên. Guillermo Amor, Sergi Barjuán, Carles Busquets (cha của Sergio Busquets) và đặc biệt là Pep Guardiola đã góp công lớn giúp Barcelona trong giai đoạn này có được 4 danh hiệu vô địch La Liga, 3 siêu cup Tây Ban Nha, 1 cup C1 châu Âu, 1 Cúp C3 và 1 siêu cup châu Âu.
Năm 2008, Pep Guardiola đi trên chính con đường của người thầy Johan Cruyff khi trở lại dẫn dắt Barcelona. Và dưới tay ông, một lần nữa La Masia trở nên rực rỡ khi hàng loạt ngôi sao trưởng thành tại đây tỏa sáng trong đội 1. Cùng nhau, họ giúp Barcelona trở thành CLB thống trị hoàn toàn châu Âu trong mùa giải 2009-2010 với cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu.
Mốc son chói lọi nhất mà lò La Masia đạt được chính là tại lễ trao giải QBV năm 2010, cả 3 cầu thủ trưởng thành tại học việc này là Messi, Xavi và Iniesta đã chia nhau ba vị trí cao nhất. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá thế giới.
Từ một trang trại năm nào, lò La Masia từ năm 2010 đã nghiễm nhiên trở thành nơi đào tạo bóng đá số một thế giới. Rất nhiều CLB lớn ở châu Âu và thế giới đã tìm tới đây để học hỏi và tìm cách sao chép phương pháp huấn luyện các cầu thủ trẻ được xây dựng từ thời của cố huyền thoại Johan Cruyff.
La Masia đang tự đánh mất chính mình
Đáng tiếc là những năm gần đây, Barcelona đã không còn giữ được vị thế dẫn đầu của mình cả ở trên sân cỏ lẫn trong công tác đào tạo trẻ. Từ vị thế là học viện đào tạo trẻ số 1 thế giới, lò La Masia đang đánh mất những gì tinh túy nhất của mình.
Sau khi chia tay những sản phẩm ưu tú như Xavi, Iniesta, Puyol, Valdes, Thiago Alcantara, Barcelona gần như lạc lối trong chính sách nhân sự. Thay vì tiếp tục đôn lên các sản phẩm “cây nhà lá vườn”, áp lực thành công buộc họ phải vung ra hàng tỉ bảng để mang về những siêu sao.
Thế nhưng kết quả thu lại gần như bằng con số không khi Barcelona mùa 2019-2020 hoàn toàn trắng tay ở mọi giải đấu. Các cầu thủ trưởng thành từ La Masia lại bị bán rẻ cho các CLB khác ở khắp châu Âu,.
Họ cũng đứng trước cơn đại khủng hoảng khi những sản phẩm ưu tú cuối cùng của lò La Masia như Messi, Busquets và Pique đã không còn ý chí chiến đấu cho đội bóng. Đặc biệt là đội trưởng Lionel Messi, người đang nổi loạn và tìm mọi cách để rời Nou Camp ngay trong hè này.
La Masia mùa vừa rồi đã cho ra mắt được Ansu Fati, thần đồng 17 tuổi đã phá vỡ cả kỷ lục ghi bàn ở La Liga lẫn UEFA Champions League. Thế nhưng chừng đó là quá ít ỏi khi anh gần như lạc lõng trong đội hình mùa tới nếu những đàn anh như Messi hay Busquets ra đi.
Barcelona dưới thời tân HLV Ronald Koeman, một người Hà Lan khác có thể sẽ rất lạ lẫm. Và theo Thethaoso, rất khó để CLB này có thể vực dậy trong một hai mùa giải khi mà La Masia và những triết lý bóng đá trường tồn của nó đã bị lung lay và mai một quá nhiều.