“Tiêu chuẩn kép” của FIFA và UEFA trừng phạt Nga: Khi luật lệ chỉ dành cho những kẻ ra luật!
Những ngày vừa qua, thế giới chấn động với hành động quân sự của Nga đối với Ukraine. Đây là điều ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, chính trị và mọi mặt đời sống của nhiều quốc gia.
Tính riêng về bóng đá, sự kiện chính trị giữa Nga với Ukraine đang khiến cho làn sóng phẫn nộ dâng cao. Dĩ nhiên, các cầu thủ, quan chức và những người hâm mộ bóng đá đang đứng về phía Ukraine, bởi hành vi gây chiến của Nga là khó chấp nhận dù với bất kỳ lý do nào. Nhưng những gì diễn ra sau đó mới là điều khiến dư luận bàn tán.
Cụ thể, trong ngày 28/2, UEFA đã quyết định loại CLB Spartak Moscow khỏi các giải đấu Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc Spartak Moscow không được tiếp tục thi đấu ở Europa League. Bên cạnh đó, đêm 28/2 – rạng sáng ngày 1/3 (giờ Việt Nam), FIFA tiếp tục ban bố lệnh trừng phạt Liên đoàn bóng đá Nga.
Cụ thể, FIFA tuyên bố cấm Nga tham dự các sự kiện bóng đá cho đến khi có thông báo mới. Điều này đồng nghĩa với việc đội tuyển Nga bị loại khỏi vòng play-off giành vé đến World Cup 2022. Cả đội tuyển nam và nữ của Nga đều bị loại khỏi World Cup hoặc EURO những năm tới.
Những đòn trừng phạt nặng nề mà FIFA hay UEFA dành cho bóng đá Nga như sự khẳng định họ không đồng tình với quyết định quân sự của Nga lên Ukraine. Tuy nhiên, quyết định trên đã khiến cho cuộc tranh cãi nổ ra về “tiêu chuẩn kép” hổ lốn mà các cơ quan bóng đá lớn nhất hành tinh này đang thể hiện.
Quay về quá khứ, năm 1999, khi Nam Tư cũ (sau này là Serbia) bị NATO ném bom, các cầu thủ Nam Tư đã có những hành động nhằm lên án cuộc chiến phi nghĩa của NATO. Sisina Mihajlovic và Dejan Stankovic là hai trong số đó. Họ mặc những chiếc áo mang thông điệp hòa bình, kêu gọi NATO ngừng những hành động gây chiến trên đất nước của họ.
Khi đó, FIFA đã ra án phạt với các cầu thủ này vì luận điểm “thể thao phi chính trị”. Những hành động đó bị ngăn chặn như lời thừa nhận của FIFA rằng, thể thao hay bóng đá nói riêng không liên quan gì đến các yếu tố chính trị thường nhật.
Sau 23 năm, cũng có một cuộc chiến khác ở Đông Âu và lần này là Nga với Ukraine. Dù rằng hành động của Nga đang bị lên án dữ dội vì sự phi nghĩa của chiến tranh, tuy nhiên hành động “cấm vận” của UEFA với FIFA vừa qua liệu có phải là “tiêu chuẩn kép”?
Trong quy chế của FIFA cũng nêu rõ, FIFA duy trì thái độ trung lập đối với các vấn đề chính trị và tôn giáo. Bên cạnh đó, FIFA cũng cấm các hành vi phân biệt đối xử hoặc có bất kỳ quyết định, can thiệp nào liên quan đến yếu tố chính trị.
Luật lệ và quy chế đã định rõ, nhưng FIFA và UEFA lại đang làm ngược với những gì được xem là tôn chỉ của họ.
Điều này gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong dự luận. Nhiều người hâm mộ đang tự hỏi, liệu các cơ quan đầu não của bóng đá như FIFA có thực sự trung lập chính trị, hay luật lệ do họ ban hành chỉ vì họ là những người làm ra luật lệ?
Truy cập Thethaoso mỗi ngày để cập nhật những tin tức nóng hổi về thế giới bóng đá.