Thể thức thi đấu C1 châu Âu như thế nào?
Thông thường, UEFA Champions League được bắt đầu vào cuối tháng 6 với 1 vòng sơ loại, 3 vòng loại và 1 vòng play-off, tất cả đều được diễn ra theo thể thức hai lượt đi-về. 6 đội bóng xuất sắc nhất vượt qua vòng playoff cuối cùng sẽ giành vé tham dự vòng bảng cùng với 26 đội đã có suất trực tiếp.
32 đội bóng sẽ được chia làm 8 bảng, mỗi bảng 4 đội và thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt. 8 đội nhất bảng và 8 đội nhì bảng tiến vào vòng 1/8, rồi tứ kết, bán kết (tất cả sẽ thi đấu hai lượt đi-về). Hai đại diện ưu tú nhất sẽ tranh tài ở chung kết diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Đội vô địch Champions League sẽ mặc định có vé vào thẳng vòng bảng Champions League mùa giải sau. Đồng thời, đội đăng quang Cúp C1 sẽ đại diện đi tranh tài tại FIFA Club World Cup. Ngoài ra, họ cũng sẽ đấu với nhà vô địch Europa League tại trận tranh UEFA Super Cup.
Những đổi mới về thể thức thi đấu C1 Champions League kể từ mùa 2024/25
Tăng số đội từ 32 lên thành 36
Hiện tại, 32 đội bóng được chia thành 8 bảng đấu. Từ mủa giải 2024/25, không còn việc chia thành 8 bảng 4 đội tranh 16 suất vào vòng knock-out, thay vào đó 36 đội sẽ cùng đá như một giải VĐQG.
Cụ thể, mỗi đội sẽ thi đấu 10 trận với 10 đối thủ khác nhau (5 trận sân nhà và 5 trận sân khách) thay vì thi đấu với tất cả các đối thủ như thể thức vòng tròn 2 lượt ở giải VĐQG. Các đội dự giải vẫn sẽ được phân làm 4 nhóm hạt giống và 10 đối thủ của mỗi đội sẽ được rải đều trong 4 nhóm hạt giống này.
36 đội dự giải sẽ được đánh số hạt giống dựa theo thành tích trong quá khứ. Chẳng hạn, ở vòng đầu tiên, đội thứ nhất gặp đội thứ 36, đội thứ hai gặp đội thứ 35. Ở vòng hai, các đội thắng vòng một sẽ gặp nhau, các đội hòa gặp nhau và các đội thua gặp nhau. Các đội điểm cao càng về sau sẽ càng dễ đụng nhau, tạo ra nhiều cuộc đại chiến hơn.
Sau khi kết thúc 10 lượt đấu vòng bảng, 8 đội dẫn đầu sẽ vào thẳng vòng knock-out. Các đội xếp từ thứ 9 đến 24 sẽ đá play-off theo thể thức lượt đi lượt về nhằm tranh suất tiếp theo. Cụ thể, các đội từ thứ 9-16 sẽ được xếp hạt giống để đối mặt với các đội xếp từ 17 -24. Các đội xếp thứ 25 trở xuống sẽ bị loại.
Sau đó, 8 đội thắng ở loạt play-off sẽ đi tiếp vào vòng 1/8 để bốc thăm chia cặp đấu với 8 đội đứng đầu bảng. Các đội thua ở loạt play-off sẽ xuống đá Europa League.
Ngoài ra, Champions League 2024/25 trở đi sẽ có 2 suất cho các đội bóng không có thành tích tốt ở giải quốc nội. Để xác định 2 đội bóng này, UEFA sẽ có 1 bảng xếp hạng thành tích của các đội bóng. Điểm số của các đội bóng trong BXH này dựa vào thành tích họ đạt được tại các giải đấu như UEFA Champions League, UEFA Europa League hay UEFA Europa Conference League.
Cùng với Cúp C1, cả Europa League và Conference League cũng sẽ thi đấu theo thể thức mới từ mùa 2024/25.
Thay đổi ngày thi đấu
Các trận đấu ở Cúp C1 2024/25 sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm thay vì thứ Ba và thứ 4 (theo giờ châu Âu) như hiện nay. Lịch thi đấu vẫn chưa được đưa ra cho 4 trận bổ sung song tất cả sẽ tranh tài từ tháng 9/2024 đến tháng 1/2025.
Cúp C1 Champions League là gì?
UEFA Champions League (viết tắt là UCL, còn được biết đến với tên gọi Cúp C1 châu Âu) là một giải đấu bóng đá cấp câu lạc bộ thường niên được tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) dành cho các câu lạc bộ có thứ hạng cao tại các giải vô địch quốc gia châu Âu.
Đây là một trong những giải đấu bóng đá danh giá nhất trên thế giới và là giải đấu cấp câu lạc bộ danh giá nhất của bóng đá châu Âu, bao gồm các nhà vô địch của các giải vô địch quốc gia (đối với một số quốc gia còn có thêm một hoặc nhiều đội á quân) của các hiệp hội quốc gia.
Được trình làng vào năm 1955 với tên gọi European Champion Clubs’ Cup, giải ban đầu được diễn ra theo thể thức loại trực tiếp và chỉ dành cho các câu lạc bộ vô địch của mỗi giải vô địch quốc gia.
Đến năm 1992, giải chính thức đổi tên thành UEFA Champions League, bổ sung thêm một vòng bảng thi đấu vòng tròn hai lượt và cho phép nhiều câu lạc bộ từ cùng một quốc gia tham dự. Kể từ đó, giải được mở rộng khi gia tăng số đội tham dự.
Lịch sử Cúp C1 Champions League
Nhận được báo cáo về Campeonato Sudamericano de Campeones năm 1948, Gabriel Hanot – biên tập viên của L’Équipe đề xuất một giải thi đấu giữa các đội vô địch bóng đá các quốc gia. Vào những năm 1950, Stan Cullis tuyên bố Wolverhampton Wanderers là “Nhà vô địch thế giới” sau một trận giao hữu thành công, đặc biệt là chiến thắng 3-2 trước Budapest Honvéd, Hanot cuối cùng đã thuyết phục được UEFA tham gia một giải đấu như vậy. Nó được hình thành ở thành phố Paris của Pháp vào năm 1955 với tên là Cúp các câu lạc bộ vô địch châu Âu.
Cúp C1 châu Âu lần đầu diễn ra trong mùa giải 1955/56 thu hút 16 đội tham gia gồm Milan (Ý), AGF Aarhus (Đan Mạch), Anderlecht (Bỉ), Djurgården (Thụy Điển), Gwardia Warszawa (Ba Lan), Hibernian (Scotland), Partizan (Nam Tư), PSV Eindhoven (Hà Lan), Rapid Wien (Áo), Real Madrid (Tây Ban Nha), Rot-Weiss Essen (Tây Đức), Saarbrücken (Saar), Servette (Thụy Sỹ), Sporting CP (Bồ Đào Nha), Stade de Reims (Pháp) và Vörös Lobogó (Hungary).
Trận đấu Cúp C1 châu Âu đầu tiên diễn ra vào ngày 4/9/1955 và kết thúc với tỷ số hòa 3-3 giữa Sporting CP và Partizan. Bàn thắng đầu tiên trong lịch sử Cúp C1 châu Âu được ghi bởi João Baptista Martins của Sporting CP. Sau đó, trận chung kết đầu tiên diễn ra tại sân vận động Công viên các Hoàng tử giữa Stade de Reims và Real Madrid. Los Blancos là đội bóng giành chiến thắng với màn ngược dòng 4-3 kịch tính nhờ các pha lập công của Alfredo Di Stéfano, Marquitos và cú đúp của Héctor Rial.
Từ mùa bóng 1992/93, giải được đổi tên thành UEFA Champions League. Và đến mùa bóng 1997/98, một sự thay đổi lớn trong điều lệ giải, ngoài các đội vô địch quốc gia, các đội có thứ hạng cao trong mỗi giải vô địch (số lượng đội của mỗi quốc gia dựa theo bảng xếp hạng các thành viên UEFA trong 5 năm gần nhất) cũng có quyền tham dự.
Kể từ mùa 2005/06 và 2006/07, 3 quốc gia Tây Ban Nha, Anh và Ý được quyền cử 4 đội tham gia. Tuy nhiên đến mùa 2013/14, Italia chỉ còn 3 đội góp mặt, vì Đức đã lấy mất một suất của Ý).
Cúp vô địch C1 Champions League
Cúp vô địch C1 Champions League có chiều cao 74 cm, nặng 11 kg và có giá khoảng 200.000 franc. Theo đó bên cạnh cúp, đội đăng quang còn được nhận 20 huy chương vàng và một bản sao của chiếc cúp với kích cỡ nhỏ hơn, đồng thời có quyền giữ chiếc cúp thật trong vòng một năm trước khi trao lại cho UEFA một tháng trước trận chung kết mới.
Từ mùa giải 1968/69 đến trước mùa 2008/09, nếu một đội đoạt chức vô địch 3 lần liên tiếp, hoặc trong 5 lần khác nhau, đội đó có quyền sở hữu vĩnh viễn chiếc cúp và UEFA sẽ phải làm một chiếc cúp khác hoàn toàn giống hệt (UEFA luôn giữ lại bản gốc). 5 câu lạc bộ có được vinh dự hiện tại gồm Real Madrid (14 lần vô địch), AC Milan (7 lần), Bayern München (6 lần), Liverpool (6 lần) và Ajax Amsterdam (4 lần).
Kể từ năm 2009, UEFA sẽ giữ vĩnh viễn bản gốc của chiếc cúp, do vậy một câu lạc bộ nếu đạt đủ 5 danh hiệu vô địch, hoặc vô địch 3 lần liên tiếp sẽ nhận được một bản sao của chiếc cúp với cùng kích thước và tên của nhà vô địch được khắc trên đó, cùng với phù hiệu cho những người chiến thắng. Đó là một logo nhỏ hình elip, nền xám, phác thảo một phần của chiếc cúp với viền trắng, ở giữa là số danh hiệu vô địch C1 của câu lạc bộ.
Nhạc hiệu Champions League
Nhạc hiệu UEFA Champions League, có tên chính thức là “Champions League”, được viết bởi Tony Britten soạn theo phong cách của nhà soạn nhạc người Đức George Frideric Handel (1685-1759) với âm hưởng chủ yếu theo bài Zadok the Priest (một trong những bài hát theo hướng đăng quang của ông). UEFA ủy nhiệm cho Britten vào năm 1992 để viết một bài nhạc hiệu và tác phẩm được trình diễn bởi Dàn nhạc Hoàng gia Philharmonic của London.
Điệp khúc bài hát Champions League chứa ba ngôn ngữ chính thức được UEFA sử dụng: tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp. Khoảnh khắc cao trào được đặt thành câu cảm thán “Die Meister! Die Besten! Les Grandes Équipes! The Champions!”
Nguồn: UEFA.
Tiền thưởng vô địch Cúp C1 Champions League
Số tiền thưởng mà các câu lạc bộ nhận được tại Champions League được chia thành các khoản thanh toán cố định dựa trên sự tham gia và kết quả.
Đối với mùa giải 2021/22, mức tiền thưởng Cúp C1 được phân bổ như sau:
- Đủ điều kiện vào vòng bảng: 15,640,000 euro.
- Thắng trận trong vòng bảng: 2,800,000 euro.
- Hòa trận trong vòng bảng: 900,000 euro.
- Vòng play-off loại trực tiếp: 5,000,000 euro.
- Vòng 16 đội: 9,600,000 euro.
- Tứ kết: 10,600,000 euro.
- Bán kết: 12,500,000 euro.
- Á quân: 15,500,000 euro.
- Vô địch: 20,000,000 euro.
Cúp C1 Champions League có áp dụng luật bàn thắng sân khách?
Vào ngày 24/6/2021, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đưa ra dòng thông báo xác nhận về việc các trận đấu tại Champions League (nam, nữ), Europa League và Europa Conference League sẽ không còn sử dụng luật bàn thắng sân khách kể từ mùa 2021/22.
Theo đó, nếu hai đội có tổng tỷ số cân bằng sau hai lượt đi và về, hai bên sẽ bước vào hiệp phụ và sau đó là loạt sút luân lưu để phân định thắng thua.
Trước đó, luật bàn thắng sân khách được giới thiệu vào năm 1965, với mục đích sử dụng nhằm xác định đội thắng trong trận đấu loại trực tiếp 2 lượt. Nếu tỷ số 2 lượt trận giữa hai đội là cân bằng, đội nào có số bàn thắng trên sân đối phương nhiều hơn sẽ là đại diện ghi tên mình vào vòng đấu tiếp theo.
Đội bóng nào vô địch Cúp C1 Champions League nhiều nhất trong lịch sử?
Tính tới hết mùa giải Champions League 2022/23, đã có 23 câu lạc bộ vô địch giải đấu. Trong đó, các đội bóng của Tây Ban Nha có số lần vô địch nhiều nhất (19 lần), đứng sau là Anh (15 lần) và Ý (12 lần).
Hiện tại, Real Madrid là đội bóng giàu thành tích nhất Cúp C1 Champions League, khi sở hữu 14 lần lên ngôi vương.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về thể thức thi đấu C1 – hình thức đá Champions League mới nhất hiện nay được chúng tôi tổng hợp gửi đến quý độc giả. Đừng quên truy cập Thethaoso hằng ngày để không bỏ lỡ các tin tức nóng hổi về thế giới bóng đá.