Cầu thủ trẻ tự sát vì bị phân biệt chủng tộc
Ngày 4/6 (giờ Hà Nội), Seid Visin được tìm thấy đã qua đời tại nhà riêng. Trang chủ của đội trẻ AC Milan sau đó đăng dòng trạng thái chia buồn: “Không có lời nào thích hợp để nói tạm biệt với một chàng trai 20 tuổi: Suy nghĩ của chúng tôi hướng về Seid Visin, gia đình cậu ấy và những người yêu mến cậu”.
Theo Corriere della Sera, nguyên nhân dẫn đến bi kịch này là tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng có dấu hiệu gia tăng ở Italy. Điều đó được anh nêu rõ qua một bức thư gửi đến bạn bè và bác sĩ trị liệu cách đây một thời gian.
Visin viết: “Tôi không phải người nhập cư, tôi được nhận nuôi từ nhỏ. Tôi nhớ mọi người đã từng rất yêu quý tôi, luôn hướng về tôi với niềm vui và sự tôn trọng. Tôi đã có thể xin việc vài tháng trước, nhưng tôi đã bị từ chối bởi những người lớn. Một cách tự nhiên, họ nói rằng chính vì những người như tôi mà nhiều người trẻ Italia (da trắng) không có được việc làm”
“Có điều gì đó bên trong tôi đã thay đổi. Cứ như thể tôi cảm thấy xấu hổ vì là người da màu, cứ như thể tôi sợ bị hiểu lầm là một người nhập cư, cứ như thể tôi phải chứng minh cho những người không biết tôi rằng tôi cũng giống họ, cũng là một người Italia, một người da trắng”.
“Tôi từng hay nói đùa về những người da màu và người nhập cư, như một cách để nhấn mạnh rằng tôi không phải là một trong số họ. Nhưng thật ra, đó là nỗi sợ hãi trong tôi. Nỗi sợ bị căm ghét mà tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt của mọi người dành cho những người nhập cư”.
“Tôi không muốn cầu xin sự đồng cảm hay thương hại. Tôi chỉ muốn tự nhắc nhở bản thân mình rằng, cảm giác khó chịu và những khổ đau mà tôi đang phải trải qua chỉ là giọt muối bỏ bể so với sự bất hạnh mà những người thà chết còn hơn sống trong chốn địa ngục và đọa đày này đang từng ngày chống chịu”.
Visin sinh ra ở Ethiopia vào tháng 9/2000 và chuyển đến Italy từ khi còn nhỏ. Anh được một gia đình ở Nocera Inferiore nhận nuôi trước khi gia nhập lò đào tạo trẻ của AC Milan. Theo La Gazzetta dello Sport, anh là bạn cùng phòng của thủ môn Gianluigi Donnarumma vào thời điểm đó.
Visin có thời gian ngắn khoác áo Benevento. Anh chia tay sự nghiệp sân cỏ 11 người vào năm 2016 để trở về nhà ở Campania và chơi bóng đá 5 người ở CLB Atletico Vitalica.
Vụ việc của Seid Visin một lần nữa làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn phân biệt chủng tộc ngày một nghiêm trọng tại Italia. Trong những năm qua, NHM đã từng rất nhiều lần chứng kiến một số cầu thủ da màu bực tức, hay thậm chí là bỏ ngang cả trận đấu vì bị CĐV trên khán đài la ó, chửi bới thậm tệ.
Câu chuyện không hồi kết
Dù đến thời điểm hiện tại, suy nghĩ này đã trở nên thoáng hơn với sự xuất hiện của những cầu thủ da màu ở ĐTQG Italia, tuy nhiên vấn nạn này vẫn âm ỉ cháy mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào có thể dập tắt.
Không chỉ tại Italia, gần như toàn châu Âu đều đang vật lộn với vấn nạn này. Chính bởi tính nghiêm trọng của nó mà nhiều tổ chức bóng đá trên thế giới đã ủng hộ hành động quỳ gối trước mỗi trận đấu, với khẩu hiệu #NoRoomForRacism (tạm dịch: không có chỗ cho phân biệt chủng tộc).
Nhưng đáng buồn thay, hành động ý nghĩa này lại bị một số bộ phận NHM tại Anh phản đối. Trong trận giao hữu giữa ĐT Anh vs ĐT Áo diễn ra vào hôm thứ 5 (3/6) vừa qua, HLV Gareth Southgate cùng nhiều cầu thủ Tam Sư đã nghe được những tiếng la ó và chế nhạo khi các cầu thủ quỳ gối tại Sân vận động Riverside của Middlesbrough. Tuy nhiên trước tràng vỗ tay của hơn 7.000 khán giả trên khán đài, những tiếng la ó kia cũng nhanh chóng bị lấn át.
Theo HLV Southgate, có vẻ như đã có sự hiểu lầm của một số CĐV về hành động quỳ gối này: “Đó không phải là thứ tôi muốn được nghe thấy. Theo tôi, có một số người hâm mộ xem đây là trái quan điểm chính trị của họ. Họ thấy điều đó là không cần thiết, do đó đã xuất hiện sự phản đối”.
“Tuy vậy, tôi cùng các cầu thủ sẽ không bao dừng lại. Phân biệt chủng tộc là điều đáng trách và chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp đó. EURO sẽ được trình chiếu trên toàn thế giới. Đó sẽ là dịp mà chúng ta cùng chung tay góp sức, giúp cộng đồng có ý thức hơn về vấn nạn mang tính nghiêm trọng này”.
Anh cũng là quốc gia nằm trong diện “đỏ” của nạn phân biệt chủng tộc. Theo thống kê từ tổ chức Kick It Out, vấn nạn kỳ thị trong giới bóng đá chuyên nghiệp tại Anh đang có chiều hướng tăng mạnh với 42%. Tổ chức này cũng cho biết, tính riêng 2 mùa giải 2018/2019 và 2019/2020, số các vụ tấn công liên quan đến vấn đề chủng tộc đã tăng từ 313 đến 416 vụ.