So sánh Wales vs Đan Mạch: Kết quả vòng bảng
Con đường đi đến vòng 1/8 EURO 2021 của Xứ Wales và Đan Mạch có sự khác biệt rõ rệt. Xứ Wales của HLV Robert Page đã tận dụng rất tốt 2 trận đấu đầu tiên trước những đối thủ yếu thế hơn để giành 4 điểm. Kết quả này giúp Gareth Bale và đồng đội bước vào trận đấu cuối cùng với Italia một cách đầy thoải mái. Dù sau đó họ phải nhận thất bại 0-1, nhưng việc xếp hơn Thụy Sĩ về hiệu số bàn thắng bại đã giúp đoàn quân HLV Robert Page vào thắng vòng knock-out với ngôi nhì bảng.
Trong khi đó, Đan Mạch lại có cách lẻn vào vòng 16 đội theo cách không thể kịch tính hơn. Đội bóng vùng Bắc Âu mất trắng 6 điểm ở 2 trận đầu tiên của bảng B với những thất bại trước Phần Lan và Bỉ. Thầy trò HLV Kasper Hjulmand cũng phải chịu một mất mát không hề nhỏ khi “nhạc trưởng” Eriksen sẽ không thể sớm trở lại.
Thiệt thòi cả về lực lượng lẫn tinh thần, những tưởng Đan Mạch sẽ phải nói lời chia tay sớm với giải đấu. Thế nhưng, bản lĩnh của Những Chú Lính Chì chưa bao giờ khiến NHM phải thất vọng.
Bị dồn vào “thế chân tường” với nhiệm vụ phải thắng, các cầu thủ Đan Mạch đã thi đấu cực kỳ thăng hoa ở trận đấu cuối trước Nga. Đoàn quân HLV Kasper Hjulmand ép sân toàn diện và tấn công không ngừng. Những nỗ lực đó sau cùng cũng được đền đáp bằng 4 bàn thắng của Damsgaard, Poulsen, Christensen và Maehle. Chung cuộc, Đan Mạch “xơi tái” gấu Nga bằng chiến thắng 4-1 và giành vé vào thẳng vòng 1/8.
Wales vs Đan Mạch: So sánh lối chơi cả 2 đội
Xứ Wales và Đan Mạch được vận hành với 2 sơ đồ đội hình tương đối khác biệt. Trong khi xứ Wales thường xuyên ra sân với đội hình 4-1-4-1, Đan Mạch lại có phần nắm bắt xu thế hơn khi sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ, một sơ đồ đang rất phổ biến tại kỳ EURO 2021.
Lối chơi của ĐT xứ Wales: HLV Robert Page bố trí hàng tiền vệ 5 người với Joe Allen là người đảm trách vị trí mỏ neo. Gareth Bale và Daniel James dạt sang hẳn 2 cánh để có thể phát huy sở trường tốc độ, trong khi Aaron Ramsey và Joe Morrell sẽ bó vào trung lộ để hỗ trợ người chơi cao nhất là Kieffer Moore.
Đội hình ra sân của ĐT xứ Wales tại EURO 2021 chủ yếu là 4-1-4-1, tuy nhiên, điều này đã phải thay đổi khi họ đối đầu với ĐT Italia ở lượt đấu cuối. HLV Robert Page chuyển về trận pháp 3 hậu vệ kết hợp cùng 4 tiền vệ phía trên để cân bằng giữa công và thủ.
Lối chơi của ĐT Đan Mạch: Bên kia chiến tuyến, Đan Mạch khiến giới mộ điệu phải bất ngờ. Trong hầu hết các trận giao hữu ở giai đoạn tiền EURO, đội bóng này thường xuyên ra sân với 4 hậu vệ giăng ngang. Thậm chí ngay ở trận ra quân gặp Phần Lan, HLV Kasper Hjulmand vẫn giữ cách chơi như thế.
Tuy nhiên kể từ trận thua khai màn đó, Đan Mạch lại bắt đầu chuyển về sơ đồ 3 hậu vệ. Đây là cách chơi giúp họ khai thác tốc độ của những cầu thủ chạy cánh, với những màn “đánh úp” bất ngờ và khiến đối thủ bị choáng ở những phút đầu nhập cuộc.
Wales vs Đan Mạch: Ưu điểm, nhược điểm của cả 2
ĐT xứ Wales:
- Ưu điểm: Điểm mạnh dễ thấy nhất của xứ Wales chính là họ sở hữu nhiều ngôi sao. Gareth Bale, Aaron Ramsey, Daniel James, Ben Davies… đều đã là những cái tên quen thuộc với NHM. Trong đó, Gareth Bale dĩ nhiên là cái tên nguy hiểm hơn cả. Dù đã không còn ở thời đỉnh cao, nhưng siêu sao 32 tuổi vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng của mình với đội tuyển sau những màn trình diễn tại vòng bảng.
- Nhược điểm: Nhìn chung, cách vận hành của đội tuyển xứ Wales lúc này phụ thuộc quá nhiều vào Gareth Bale. Ở 3 trận vòng bảng, NHM cũng được chứng kiến ngôi sao tấn công của Real Madrid thường xuyên lùi sâu để làm bóng cho các đồng đội. Như vậy, chỉ cần khóa chặt Bale là xem như xứ Wales sẽ gặp trục trặc. Aaron Ramsey dù đã có được 1 bàn thắng nhưng vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó, Daniel James ngoài khả năng bứt tốc ra thì vẫn chưa có điểm gì nổi trội tại EURO năm nay.
ĐT Đan Mạch:
- Ưu điểm: Đối với Đan Mạch, sức mạnh của họ chủ yếu dựa vào sự đoàn kết và tinh thần tập thể. Họ cũng có nhiều ngôi sao với những cái tôi lớn trong đó, nhưng tất cả đều hết mình thi đấu vì một mục đích chung. Khả năng leo biên của các hậu vệ cánh Đan Mạch cũng rất đáng sợ. Joakim Mæhle, cầu thủ duy nhất của Đan Mạch trong đội hình tiêu biểu vòng bảng (theo Whoscored), là một ví dụ điển hình cho sức mạnh ở hành lang phải của Đan Mạch. Ngoài ra, khả năng phản công cũng như cách nhập cuộc chủ động của thầy trò HLV Kasper Hjulmand là những yếu tố biến Đan Mạch trở nên rất khó lường tại giải lần này.
- Nhược điểm: Dù thực hiện khá tốt chiến thuật phòng ngự phản công, ĐT Đan Mạch cũng gặp vấn đề ở chính lối chơi này. Khả năng chống phản công của thầy trò HLV Kasper Hjulmand là không thực sự tốt khi hệ thống phòng ngự của họ rất dễ bị đặt vào thể đuổi bắt với đối phương. Hai bàn thua trước ĐT Bỉ được ghi bởi Thorgan Hazard và Kevin De Bruyne đã khiến vấn đề này càng hiện rõ hơn.
So sánh Wales vs Đan Mạch: Thành tích trong quá khứ
Nếu phải so về thành tích ở những kỳ EURO, Đan Mạch dĩ nhiên là trội hơn xứ Wales rất nhiều. Đội bóng vùng Bắc Âu đã có đến 9 lần tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục, trong đó có 1 lần đi đến tứ kết (EURO 2004), 1 lần vào vòng 4 đội mạnh nhất (EURO 1984) và 1 lần bước lên ngôi vô địch (EURO 1992).
Bên kia chiến tuyến, ĐT xứ Wales mới chỉ có lần đầu tham dự một VCK EURO vào năm 2016. Tính đến nay, đội bóng này chỉ mới tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu có 2 lần và vẫn còn là một gương mặt “khá mới” của giải đấu. Tuy nhiên, thành tích mà Gareth Bale cùng các đồng đội tạo ra là rất đáng nể.
Ở kỳ EURO 2016, ĐT xứ Wales đã một mạch đi tới vòng bán kết ngay trong lần đầu tiên tham gia. Họ chỉ phải chịu thất bại trước một Bồ Đào Nha quá bản lĩnh ở bán kết và đành dừng cuộc chơi.
Nói thế để thấy, dù lịch sử đang ủng hộ Đan Mạch trong cuộc đối đầu này, nhưng tinh thần và sự quyết tâm có thể sẽ khiến xứ Wales làm nên chuyện và tạo thêm nhiều bất ngờ hơn nữa.