VAR và câu chuyện muôn thuở tại Ngoại Hạng Anh
Phút thứ 15 tại Stamford Bridge, Rashford tung cú sút căng từ ngoài vòng cấm khiến bóng bật ra sau khi găm thẳng vào vị trí của thủ thành Mendy. Một tình huống tranh chấp xuất hiện ngay sau đó chứng kiến Mason Greenwood và Hudson-Odoi lao vào giành bóng.
Bóng đã chạm tay cầu thủ bên phía Chelsea. Chính xác là như vậy. Các cầu thủ Manchester United lập tức phản ứng và đòi quả 11m. Trọng tài chính Stuart Attwell lúc này mới quyết định xem lại đoạn băng ghi hình. Đứng một hồi lâu, ông Attwell ngoảnh mặt lại và nói không với Man United.
Không cần nói cũng biết các Manucian điên tiết như thế nào. Sau trận đấu, binh đoàn fan Quỷ Đỏ lũ lượt kéo lên các trang mạng xã hội để trút giận lên trọng tài Stuart Attwell. Không chỉ có thể, VAR cũng bị đem ra “xử bắn”.
Lướt News Feed sau trận đấu, chúng ta không khó để bắt gặp những câu đại loại như “VAR đã cướp 3 điểm của MU”, “VAR báo hại Quỷ Đỏ”, “Tội đồ mang tên VAR”. Bất chợt, loại công nghệ được kỳ vọng sẽ đem lại tính công bằng cho bóng đá lại bị đem ra phán xét.
Thực tế đây không phải lần đầu VAR bị chỉ trích nặng nề. Còn nhớ ở mùa giải trước, công nghệ video hỗ trợ trọng tài thường xuyên gây khó hiểu cho người xem khi xác định lỗi việt vị của các đội bóng.
Trước đó, HLV Jose Mourinho cũng bày tỏ sự không hài lòng cách VAR can thiệp quá sâu vào các trận đấu. “VAR nên đổi tên thành VR (Video referee). Vì trọng tài giờ đã không còn là trọng tài nữa. VAR đang phát triển theo một hướng xấu”, Người Đặc Biệt cho biết.
HLV Nuno Santo của Wolverhampton thì gay gắt hơn. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha cho rằng: “Tổ trọng tài VAR nằm cách xa sân đấu cả mấy cây số thì không nên đưa ra bất kỳ quyết định gì”.
Có thể hiểu được những nỗi bức xúc từ các vị chiến lược gia ấy. Song qua đó, ta cũng thấy rõ được họ không hề có ý chỉ trích hay ám chỉ đến VAR, một loại công nghệ vô tri vô giác.
VAR đang bị nhận thức không đúng
Như đã biết thì VAR là tên viết tắt của cụm từ Video Assistant Referee, dịch sát nghĩa tiếng Việt ra là “Trợ lý trọng tài video”. Đó là tập hợp của một nhóm trợ lý trọng tài có nhiệm vụ xem xét các quyết định của trọng tài chính, thông qua việc sử dụng video và các thiết bị liên lạc. Từ đó sẽ cung cấp cho vị vua áo đen ở trên sân có được những thông tin chính xác nhất.
Ở Việt Nam thì VAR thường được xem là một loại công nghệ mới trong bóng đá. Tuy nhiên, đây thực chất là một cách hiểu sai. Vì khi gọi với cụm từ “Công nghệ VAR”, người dùng đã vô tình loại bỏ hoàn toàn đi yếu tố quan trọng nhất. Đó là con người.
Yếu tố con người mới là thứ quyết định. VAR chỉ là những đoạn video được chiếu lại, nhưng việc nhận định tình huống, kẻ vạch, so sánh, đối chiếu… đều sẽ được con người, mà ở đây chính là tổ trọng tài VAR thực hiện.
Vậy VAR có sai lầm hay không? Chính xác thì phần công nghệ trong VAR không bao giờ sai. Bởi đó chỉ là những đoạn video, những dữ liệu của trận đấu. Và dữ liệu thì chẳng thể nào đưa ra quyết định hay phán đoán đúng sai được.
Do đó, phần con người trong VAR mới là thứ dẫn đến sai lầm. Điển hình là trong trận bán kết Champions League giữa Man City và Tottenham mùa giải 2018/19, Fernando Llorente của Tottenham đã để bóng sượt qua tay ngay trước khi ghi bàn rút ngắn tỷ số xuống còn 3-4.
Tuy nhiên, theo tờ Daily Mail, trong tình huống nhờ tới sự trợ giúp của VAR, trọng tài chính Cuneyt Cakir đã không được cung cấp góc nhìn ghi lại hình ảnh tiền đạo người Tây Ban Nha để bóng chạm tay, cho nên ông công nhận bàn thắng đó, góp phần khiến Man City bị loại khỏi Champions League. Người mắc lỗi ở đây chính là tổ trọng tài VAR khi không cung cấp đủ hình ảnh cho trọng tài chính.
Ở mùa giải năm nay, Ngoại Hạng Anh tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp sai sót từ tổ trọng tài video. Đáng kể nhất là trường hợp của Man United tại vòng 19 Premier League khi tiếp đón Sheffield United trên sân nhà,
Trong trận này, Quỷ Đỏ bị xử lý 2 tình huống khiến các cầu thủ ức chế. Đầu tiên là pha kéo người của Billy Sharp đối với thủ thành David De Gea, tạo điều kiện cho Kean Bryan ghi bàn mở tỷ số. Tình huống diễn ra hỗn loạn khiến các trọng tài trên sân quan sát không kịp, nhưng VAR lại chẳng can thiệp gì.
Kế đó, Anthony Martial đưa được bóng vào lưới Sheffield sau một pha tranh chấp giữa Harry Maguire với thủ môn của Sheffield – Aaron Ramsdale phút 29. Nhưng các trọng tài lại không công nhận bàn thắng cho Man United vì cho rằng Maguire phạm lỗi với Ramsdale dù trung vệ đội trưởng Quỷ Đỏ tranh chấp hợp lệ.
Sau trận, HLV Ole Solskjaer thừa nhận tổ trọng tài VAR ở cuộc chạm trán đó đã gửi báo cáo thừa nhận mắc sai lầm. “Tôi không muốn tiết lộ chuyện này, nhưng tôi đã nhận được báo cáo từ đại diện Ban trọng tài về hai quyết định sai lầm”.
“Họ thừa nhận lẽ ra bàn mở tỷ số của Sheffield không được công nhận, còn chúng tôi phải có một bàn thắng. Nếu những điều đó diễn ra trong trận, đó sẽ là động lực lớn cho chúng tôi”, Solsa cho biết.
Có thể thấy VAR đang không có được sự bằng lòng của phần đông các đội tại Ngoại Hạng Anh. Không thể phủ nhận loại công nghệ này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc công khai tính minh bạch của các tình huống bóng, song nó lại không thể đưa ra quyết định cuối cùng. VAR hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tổ trọng tài điều khiển.
Bởi thế, VAR nên được sử dụng với cụm từ “Tổ trọng tài VAR” thay vì “Công nghệ VAR”, để tránh những hiểu lầm không đáng có của phần đông người hâm mộ dành cho loại công nghệ này.