Một người được xem là anh hùng thường sẽ hội tụ 1 trong 2 yếu tố: Thứ nhất là thành tựu, còn thứ hai là tấm lòng quảng đại. Sadio Mane thì có cả 2.
Trong suốt 4 năm chơi cho Liverpool, Mane dẫn dắt hàng công The Kops càn quét hết mọi chiến công hiển hách của giới túc cầu.
Để rồi nhờ những thành tích đó, anh đã có đủ tài sản và vật chất để trở thành chỗ dựa cho hàng triệu người dân ở quê nhà Senegal đang trong cảnh nghèo đói và lầm than.
Sự nghèo khổ và niềm tin tuyệt đối vào bóng đá
Ngày 10 tháng 4 năm 1992, tại ngôi làng nhỏ Bambali, cậu bé Sadio Mane cất tiếng khóc chào đời.
Giả sử rằng nếu Mane không vươn đến đỉnh cao như hôm nay, sẽ chưa có tới 0,1% dân số thế giới biết đến Bambali nằm trong ngóc ngách nào của Trái Đất.
Đó là một ngôi làng nhỏ nằm sâu ở phía nam Senegal, nơi mà công nghệ truyền hình vệ tinh còn rất hạn chế.
Cuộc sống khó khăn cũng khiến người dân tại đây phải dành phần lớn thời gian để kiếm ăn, chứ chẳng ai có hứng thú nhắc về bóng đá.
“Nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài”, Oliver Kay, phóng viên của tờ The Athletic trả lời với CNN Sports. Oliver từng có dịp ghé thăm quê nhà của Sadio Mane vào năm 2019.
Anh được cử đi để nghiên cứu và thực hiện các bài viết liên quan đến chàng tiền đạo người Senegal.
“Bambali thật ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khu vực này nằm cách thành phố gần nhất tới 3 tiếng. Còn nếu muốn tới thủ đô Dakar, bạn phải tốn 7 giờ đồng hồ”.
“Khi tới đây, khung cảnh hiện ra trước mắt tôi là những đứa trẻ leo trèo và chơi đuổi bắt với đàn gà.
Không có một dấu hiệu nào cho thấy nơi đây sẽ xuất hiện các học viện bóng đá chuyên nghiệp. Nếu có dịp đến Bambali, bạn sẽ cảm nhận được xác suất để Mane trở thành cầu thủ là thấp đến mức nào”.
Sống tại một nơi không có bất kỳ âm hưởng nào về bóng đá, khá dễ hiểu khi gia đình Mane không muốn anh theo nghiệp quần đùi áo số.
Trong mọi bữa ăn chung, họ luôn kể về những kẻ ngu ngốc theo nghiệp bóng bánh và rồi không có nổi một cuộc sống tử tế.
Bố mẹ Mane chỉ muốn anh học hành đàng hoàng để sau này nối nghiệp cha, trở thành một thầy tế trong nhà thờ Hồi giáo tại địa phương.
Nhưng Mane lại chỉ thích bóng đá…
“Từ lúc 3 hay 4 tuổi, tôi đã biết mình sẽ thành cầu thủ. Thỉnh thoảng tôi có ghé xem tivi của hàng xóm và thấy Premier League được chiếu trên đó. Thế là, tôi bắt đầu mơ ước được chơi bóng tại Anh”.
Tuy vậy, giấc mơ chơi bóng lại không hề dễ dàng. Xung quanh không ai ủng hộ anh. Ngay cả những người trong gia đình đều ngăn cản vì cho rằng đó là một suy nghĩ hoang đường.
Mọi việc lại càng trở nên khó khăn hơn khi năm lên 7 tuổi, bố của Mane qua đời do bạo bệnh…
“Ông ấy mắc chứng đau bao tử. Nhưng vì Bambali không có bệnh viện, nên chúng tôi chỉ dùng các loại thuốc cổ truyền để chữa trị. Cuối cùng, bố tôi đã qua đời”.
Sự ra đi của người cha là một mất mát lớn với bất kỳ đứa trẻ nào. Mane cũng thế.
Anh đau buồn vì những chuyện đã xảy ra, nhưng cũng không vì nó mà suy sụp hoàn toàn.
Mane biết rằng, anh cần phải nỗ lực và tiến lên để giúp gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn như hiện tại.
Và trong một khoảnh khắc, cậu bé 7 tuổi làng Bambali nhận ra bóng đá là chính con đường duy nhất.
Lời bộc lộ của Sadio Mane trong phim tài liệu Made in Senegal…
“Tôi từng tự nhủ rằng mình phải cố hết sức để giúp mẹ. Đó là một trách nhiệm không dễ dàng gì khi bạn còn quá trẻ. Và trong thâm tâm, tôi biết rằng bóng đá là cách duy nhất để mình thành công và giúp đỡ gia đình”.
Tại Bambali, Mane là người chơi bóng giỏi nhất làng. Mọi người đều thừa nhận điều ấy. Anh được bạn bè đặt cho biệt danh “Ballonbuwa”, nghĩa là gã phù thủy với trái bóng.
Tuy nhiên, việc thể hiện tài năng tại ngôi làng nhỏ bé kia chẳng giúp ích gì cho Mane.
Bởi nơi mà anh cần thể hiện tất cả những phẩm chất của một cầu thủ tài năng chính là ở thủ đô Dakar, nơi duy nhất ở Senegal có những học viện bóng đá giúp ươm mầm các cầu thủ trẻ và tạo bước đệm đưa chúng sang mảnh đất châu Âu màu mỡ.
Mane cũng ý thức được điều đó. Năm 15 tuổi, anh quyết định bỏ nhà ra đi mà không để lại bất kỳ lời từ biệt nào.
Mọi thứ đã được chuẩn bị từ đêm hôm trước, Mane giấu túi đồ trong lùm cây để hôm sau có thể dậy thật sớm và rón rén ra đi.
Không có một xu dính túi, Mane phải đi bộ một quãng đường dài. Mãi đến khi bắt gặp một người bạn dọc đường, anh mới có thể vay được tiền để bắt chuyến xe đi thẳng tới Dakar.
Đến nơi, anh ở trọ nhờ nhà của một người dân địa phương và gia nhập học viện Generation Foot, nơi có 300 cậu bé khác đang chờ để thử vận may.
Lúc đó, Sadio Mane trông thật lạc lõng. Anh mặc một chiếc quần nhàu nát cùng đôi giày rách tươm, với những đường khâu cố định phần đế và mũi bằng dây nilon.
Đã có vài tiếng cười nhạo phát ra khi chứng kiến Mane với vẻ ngoài như thế. Thế nhưng, đến khi vào trận, những âm thanh chế giễu đó lại im bặt.
Mane tỏa sáng với 4 bàn thắng. Các HLV ngay lập tức bị thuyết phục.
Họ quyết định nhận anh vào trung tâm và đào tạo anh trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Sau nhiều năm, dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập học viện Mady Toure, Mane ngày càng trưởng thành hơn và hoàn thiện kỹ-chiến thuật chơi bóng của mình.
Đến năm 2011, Mane được CLB Metz từ Pháp chiêu mộ. Thế là chuyến phiêu lưu trời Âu bắt đầu từ đây.
Sadio Mane và những năm tháng đỉnh cao tại châu Âu
Sadio Mane thi đấu cho Metz được một mùa giải. Anh ra sân 22 trận và để lại 2 bàn thắng trước khi sang Áo đầu quân cho Red Bull Salzburg.
Tại đây, tiền đạo người Senegal thi đấu cực kỳ thành công khi ghi tổng cộng 31 bàn thắng và tạo ra 32 đường kiến tạo, góp phần giúp đội chủ sân Wals-Siezenheim đoạt cú đúp quốc nội ở mùa 2013/2014.
Phong độ ấn tượng đó đã đem đến cho Mane cơ hội hoàn thành giấc mơ thuở bé của mình: Đó là được chơi bóng tại Premier League.
Ngày 1 tháng 9 năm 2014, Mane chính thức ký vào bản hợp đồng có thời hạn 4 năm với Southampton.
Đội bóng nước Anh đã chi ra tới 11,8 triệu bảng để có được sự phục vụ của cựu tiền đạo CLB Metz.
Trong 2 năm thi đấu tại sân St Mary, Sadio Mane vẫn thể hiện một phong độ ghi bàn tốt.
Những bàn thắng của anh góp phần đưa Southampton cán đích ở vị trí thứ 7, qua đó giành vé dự Europa League sau khi mùa giải 2014/2015 kết thúc.
Cũng trong khoảng thời gian này, người hâm mộ tại sân St Mary được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử đến từ Mane.
Đó là trong trận tiếp đón Aston Villa thuộc vòng 37 Premier League, tiền đạo người Senegal đã lập một cú hat-trick chỉ trong vòng 2 phút 56 giây.
Đây được xem là kỷ lục ghi hat-trick nhanh nhất Ngoại Hạng Anh, vượt qua kỷ lục cũ 4 phút 33 giây do Robbie Fowler thiết lập vào năm 1994.
Chưa hết, ở trận tứ kết League Cup đối đầu Liverpool, Mane đã ghi bàn mở tỷ số chỉ 39 giây sau khi trận đấu bắt đầu.
Tuy nhiên, thành tích này lại trở thành một ký ức đáng quên với khi Southampton bị đối thủ vùi dập 1-6. Nhưng chính Liverpool sau trận đấu lại bị ấn tượng bởi cách Mane chơi bóng.
Đến giai đoạn mùa hè 2016, Liverpool quyết ra chi 34 triệu bảng để sở hữu chữ ký của tiền đạo đang chơi Southampton.
Với mức giá trên, Mane chính thức trở thành cầu thủ đắt giá nhất châu Phi thời điểm đó.
Thương vụ đã khiến cánh báo chí tại Anh tốn không ít giấy mực về tính xác đáng của thương vụ. Và như tất cả đã biết, mọi thứ giờ đã trở thành lịch sử.
Tại Liverpool, Mane đã vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp. Anh cùng với Salah và Firmino tạo thành mũi đinh ba gieo rắc nỗi khiếp sợ trên toàn cõi châu Âu.
Trong suốt 4 năm đồng hành cùng The Kops, Mane là một trong những nhân tố chủ lực giúp đội chủ sân Anfield 2 năm liền vào chung kết Champions League và một lần vô địch.
Anh còn đưa Lữ Đoàn Đỏ có lần đầu tiên chạm tay vào chiếc cúp Ngoại Hạng Anh danh giá. Trước đó, Mane còn cùng Salah và Aubameyang về nhất trong cuộc đua “Vua phá lưới” Premier League 2018/2019.
Những thành tích ấn tượng đó đã giúp Mane xếp thứ tư trong cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng châu Âu, và đứng thứ năm trong danh sách The Best 2019.
Chàng siêu sao với một tấm lòng vàng
Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng Mane đã đạt đến đỉnh cao danh vọng.
Dĩ nhiên, anh có quyền tận hưởng điều đó. Nhưng cuối cùng, Mane lại chọn đi theo một lối sống khác.
Năm 2018, sau trận thắng Leicester, Sadio đã đi tới một Thánh đường Hồi giáo tại Liverpool để giúp dọn nhà vệ sinh.
Anh chủ động đề nghị các nhân viên không quay video về chuyện này, bởi mục đích anh làm không phải là để lấy lòng người hâm mộ.
Trong một buổi phỏng vấn với một tờ báo châu Phi, Sadio Mane đã từng nói…
“Tại sao tôi lại cần tới 10 chiếc Ferrari, 20 đồng hồ kim cương hay 2 chiếc máy bay? Những thứ đó có thể làm gì cho tôi và thế giới này? Với những gì tôi có được ngày nay nhờ bóng đá, tôi cũng sẽ dùng nó để chia sẻ cho cộng đồng của mình”.
Tại quê nhà Bambali, có đến 70% hộ gia đình được ước tính là sống trong nghèo đói.
Cha của anh cũng qua đời do không có bệnh viện để chữa trị. Đó là lý do Mane đã xây dựng một bệnh viện tại đây.
Khi dịch Covid-19 ập đến, cựu cầu thủ của Metz cũng quyên góp 40.000 bảng cho chính phủ Senegal để ủng hộ công tác chống dịch. Trước đó, Mane cũng dùng tiền của mình để xây dựng trường học.
Mane tâm sự…
“Ngày nay, mọi cậu nhóc đều muốn đá bóng và trở thành một cầu thủ như tôi hơn là đến trường. Nhưng tôi luôn nhắc chúng cần phải đến trường và trang bị đầy đủ kiến thức. Dĩ nhiên chúng có thể chơi bóng, nhưng học hành sẽ giúp chúng thành công hơn trong lĩnh vực của mình”.
Cho đến nay, Sadio Mane vẫn chưa có được Quả Bóng Vàng. Nhưng nếu phải chọn ra một cái tên đứng đầu về tấm lòng vàng trong làng túc cầu, thì đố bạn tìm được ai giống Mane thứ 2.