Nhắc tới Quỷ Đỏ, người đầu tiên được nghĩ tới luôn là Sir Alex Ferguson. Thế nhưng bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau nói về nhà Glazer, những người là chủ sở hữu, đồng thời cũng nắm giữ chức vị chủ tịch MU.
Giới chủ bị ghét từ những ngày đầu
Năm 2005, nhà Glazer tiến hành thâu tóm Manchester United trong một phi vụ thần tốc.
Vào cuối năm 2003, Malcolm Glazer tiến hành thu mua cổ phiếu và khiến cho số cổ phần mà mình nắm giữ tăng từ 3.17% lên thành khoảng 15%. Đến tháng 10/2014, con số này được nhân lên gần gấp đôi.
Quá trình tiếp quản cổ phiếu từ tay của 2 vị doanh nhân người Ireland – John Magnier và John Patrick McManus hồi 5/2005 đã khiến cho số cổ phần mà vị cố doanh nhân này nắm giữ lên tới 57%.
Vài ngày sau đó, 75% cổ phần của Manchester United thuộc quyền kiểm soát của ông.
Malcolm tiến hành rút tên Man Utd ra khỏi thị trường chứng khoán, và chỉ một tháng sau đó, con số 75% biến thành 98%.
Tổng số tiền được sử dụng để hoàn tất phi vụ này rơi vào khoảng 800 triệu bảng Anh.
Tất nhiên, mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Malcolm Glazer sử dụng tiền túi của mình.
Thế nhưng không, phần lớn số tiền là vốn vay, và sau đó, tiền lãi cho khoản vay này đè nặng lên ngân sách của Quỷ Đỏ.
Ở thời điểm đó, mỗi năm MU bốc hơi 60 triệu bảng Anh, và chính vì lẽ đấy, người hâm mộ của đội bóng vùng tây bắc xứ sương mù ghét những vị chủ sở hữu của CLB ra mặt ngay từ những ngày đầu.
Những vị chủ tịch MU mù tịt về bóng đá
Hoa Kỳ từ xưa đến nay luôn bị coi là vùng trũng trong làng túc cầu. Thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy được mọi vài cái tên đáng chú ý tới từ xứ sở cờ hoa như Christian Pulisic của Chelsea, Sergino Dest của Barcelona hay Weston McKennie của Juventus.
Thế nhưng cách đây 15 năm, sự thực là không nhiều người Mỹ quan tâm tới bộ môn thể thao vua, trong đó bao gồm cả những ông chủ giàu có của Manchester United.
Có một câu chuyện từng là đề tài để những anti-Glazer đàm tiếu một cách sôi nổi, đấy là trong lần đầu tiên dự khán một trận cầu của Manchester United trên cương vị chủ sở hữu đội bóng, ba anh em nhà Glazer là Bryan, Joel cùng với Avie thậm chí còn chẳng hiểu điều gì đang diễn ra trên sân.
Họ tưởng rằng luật bóng đá cũng na ná như môn bóng bầu dục, thế nhưng rõ ràng, bóng đá của xứ sương mù và bóng đá của xứ cờ hoa là chẳng giống nhau.
Có một điều mà tất cả đều phải công nhận, đấy là để làm bóng đá thành công, thì trước hết phải có niềm đam mê đã.
Thế nhưng với những người thậm chí còn chẳng hiểu luật bóng đá, vậy thì ‘đào’ đâu ra được đam mê bây giờ?
Kể từ khi được nhà Glazer tiếp quản, Quỷ Đỏ đi xuống so với trước đây. Mọi chuyện vẫn ổn khi Sir Alex Ferguson còn tại vị.
Thế nhưng khi ông nghỉ hưu, hai vị đồng chủ tịch MU chẳng hiểu gì về bóng đá là Avram Glazer và Joel Glazer đã không thể giúp cho đoàn quân áo đỏ trở lại với vị thế như trước.
Họ có thể giỏi làm kinh tế, nhưng thiếu chuyên môn về bóng đá. Cặp anh em tỷ phú này trên danh nghĩa là chủ của CLB, nhưng họ không thường nhúng tay vào những công việc của đội bóng.
Thay vào đó, nhà Glazer tin tưởng Ed Woodward, trao cho vị cựu cố vấn của J.P Morgan chức vị Phó chủ tịch.
Nhưng trớ trêu thay, ‘vị vua không ngai’ ở Old Trafford cũng mù tịt về bóng đá giống như hai ông chủ của mình.
Điều này được thể hiện rõ qua những quyết sách ngớ ngẩn mà Man Utd thực hiện trên thị trường chuyển nhượng.
Suốt 7 năm qua, mỗi khi ‘chợ phiên’ mở cửa, cái tên Manchester United lại xuất hiện dày đặc trên các mặt báo với những tin đồn cùng hàng loạt mục tiêu.
Trong số đó, có người cập bến Old Trafford, có người không, và mẫu số chung của phần lớn những người thực sự trở thành một con Quỷ Đỏ, đấy là đều gây thất vọng.
Rõ ràng, chẳng hề quá khi nói họ mua nhiều, nhưng hiệu quả thì chẳng được bao nhiêu.
Các bom xịt từng xuất hiện ở Old Trafford là không đếm xuể. Chúng ta có thể kể ra Angel di Maria, Alexis Sanchez hay Romelu Lukaku chẳng hạn.
Rõ ràng, dù rằng các báo cáo tài chính cho thấy MU vẫn đang kinh doanh rất tốt, là cỗ máy in tiền cho nhà Glazers.
Song thực tế ai cũng thấy, từ hai vị đồng chủ tịch MU – Avram và Joel cho đến ‘sếp phó’ Ed Woodward, họ đều không có chuyên môn về bóng đá, vì vậy con đường phục hưng của Quỷ Đỏ sau 7 năm vẫn cứ mờ mịt như vậy.
Nhận định về những cái tên đang nắm giữ quyền lực tối cao tại Nhà Hát Của Những Giấc Mơ, ông Frank Arnesen – người từng có hơn 1 năm làm việc cho Tottenham cùng 5 năm công tác tại Chelsea với vai trò Giám đốc chuyển nhượng chia sẻ:
“Khi Sir Alex rời đi, chẳng còn ai có kinh nghiệm làm bóng đá ở băng ghế lãnh đạo cả. Đó là một vấn đề lớn, đội bóng luôn cần một người hiểu rõ thế nào là một huấn luyện viên, công việc của một cầu thủ là gì. Liệu cơ hội ở lại cho David Moyes có thực sự tồn tại hay không, hay mọi thứ đã được quyết định từ trước khi ông ấy tới? Ban lãnh đạo đội bóng thiếu kiến thức chuyên môn, và sau đó, ai nói gì họ cũng nghe theo cả.”
Rõ ràng, chừng nào còn được lãnh đạo bởi những con người hiện tại, có lẽ đường về vinh quang của Man Utd vẫn sẽ tiếp tục xa xôi diệu vợi.
Năm ngoái, đã có những tin đồn Quỷ Đỏ có thể đổi chủ, thế nhưng bây giờ, chẳng còn ai nghe phong thanh gì nữa.
Và quả thực khi mà mặc cho phong độ trên sân bết bát, Man Utd vẫn cứ giúp nhà Glazer bỏ túi hàng chục, hàng trăm triệu bảng mỗi năm, vậy thì chẳng có lý do gì để những vị tỷ phú xứ cờ hoa phải từ bỏ chức vị chủ tịch MU cả.