Dù không có được vị thế như những ông lớn cùng thành phố là Arsenal, Chelsea hay Tottenham, song trong 10 năm trở lại đây, đội chủ sân Selhurst Park cũng đã được chứng kiến sự đổ bộ của những cái tên quen mặt với các cổ động viên bóng đá, chẳng những là trên sân cỏ, mà còn là trên băng ghế chỉ đạo nữa. Bây giờ, chúng ta hãy cùng xếp hạng các huấn luyện viên Crystal Palace trong ‘kỷ nguyên mới’ của đội bóng này nhé.
Hạng 9: Frank de Boer – Người bị Jose Mourinho chê thẳng mặt
Không có gì để nghi ngờ về tài năng của Frank de Boer. Ông là một cầu thủ huyền thoại của xứ Tulip, là tượng đài bất tử của Ajax Amsterdam cũng như ở đội tuyển Hà Lan. Thế nhưng một cầu thủ hàng đầu chưa chắc đã có thể trở thành một huấn luyện viên hàng đầu, và điều này đúng với Boer.
Frank de Boer từng đạt được những thành công nhất định ngày còn làm trợ lý của HLV Bert van Marwijk tại đội tuyển Hà Lan, cũng như là khi dẫn dắt Ajax Amsterdam trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2016. Thế nhưng sau đó khi đến nước Ý làm việc, quãng thời gian ông tại vị ở Inter Milan chỉ kéo dài vỏn vẹn 85 ngày mà thôi.
Chính vì thất bại cùng với Nerazzurri, nhiều người đã cảm thấy bất ngờ khi Crystal Palace quyết định bổ nhiệm ông, và sự hoài nghi của số đông đã đúng. Ông chỉ dẫn dắt Crystal Palace trong 5 trận đấu mà thôi. Dù The Eagles đã thắng Ipswich Town tại vòng 2 cúp Liên Đoàn, nhưng cả 4 vòng đấu đầu tiên của Palace tại Premier League mùa giải 2017/2018, họ đều thua và thậm chí không ghi được bất cứ bàn thắng nào.
Lần đầu tiên sau 93 năm, The Glaziers mới lại phải trải qua một chuỗi trận yếu kém như vậy, và thượng tầng đội bóng nam London đã nhanh chóng ra quyết định sa thải nhà cầm quân người Hà Lan. Đáng nói hơn khi nhận định về triều đại Frank de Boer tại Crystal Palace, HLV Jose Mourinho từng thẳng thừng bảo rằng Boer là vị chiến lược gia kém nhất trong lịch sử Premier League.
Hạng 8: George Burley – Quãng thời gian thảm họa
Sau khi tiếp quản Crystal Palace, một trong những động thái đầu tiên của tập đoàn CPFC 2010, đó là tìm kiếm một vị thuyền trưởng mới. George Burley đã được chọn, và chính thức được bổ nhiệm trở thành huấn luyện viên Crystal Palace vào ngày 17/6/2010.
Triều đại của Burley khởi đầu đầy hứa hẹn với chiến thắng 3-2 trước Leicester. Trận đấu này còn là một dấu mốc đặc biệt với Wilfried Zaha – người hiện tại đang là trụ cột quan trọng của The Eagles. Khi ấy Zaha mới 17 tuổi, và chàng sao mai năm nào đã ghi bàn thắng đầu tiên cho đội chủ sân Selhurst Park.
Đáng tiếc sau đó mọi chuyện lại chẳng phải là một giấc mộng đẹp cho câu lạc bộ nam London. George Burley đã dẫn dắt Palace tổng cộng 24 trận tại giải vô địch quốc nội, và họ chỉ thắng 6 trong số đó. Vào ngày đầu tiên của năm 2011, thượng tầng đội bóng đã vội vàng sa thải Burley sau trận thua trước Millwall. Có một sự trùng hợp khá thú vị ở đây. Hôm đó, Jason Puncheon chính là người đã lập một cú hattrick giúp Millwall quật ngã The Eagles, thế nhưng 2 năm 8 tháng sau đó, anh đã khoác lên mình chiếc áo màu đỏ lam, và chỉ chính thức rời đi vào mùa hè năm ngoái mà thôi.
Hạng 7: Neil Warnock – Hai lần tiếp quản Crystal Palace
Trước khi trở lại Selhurst Park vào năm 2014, Neil Warnock từng là một huấn luyện viên Crystal Palace trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông cùng The Eagles đã diễn ra khá thành công, nhưng mọi chuyện không đi theo kịch bản cũ trong lần trở lại sau đó.
Khởi đầu mà Neil Warnock tạo ra là không hề tồi, khi ông cùng các học trò lần lượt kiếm được 1 điểm trước Newcastle cùng với Burnley, cũng như giành được chiến thắng khi phải đối đầu với Everton và Leicester. Tuy nhiên sau đó, Crystal Palace chỉ có thêm được 1 chiến thắng nữa cho đến tận khi ông thầy người Anh rời đi.
Chính trận thua 3-1 trước Liverpool đã khiến cho ban lãnh đạo CLB cạn kiệt niềm tin dành cho Warnock, và chính thức sa thải nhà cầm quân 71 tuổi vào ngày 27/12/2014. Như vậy, triều đại của cựu huấn luyện viên Crystal Palace đã khép lại một cách chóng vánh chỉ sau 4 tháng ngắn ngủi.
Hạng 6: Ian Holloway – Người giúp Palace trở lại với Premier League
Vào tháng 11/2012, Crystal Palace đã đưa Ian Holloway lên băng ghế chỉ đạo. Khi đó, ông không tới Selhurst Park một mình, mà đem theo người cộng sự Keith Millen. Cùng nhau, họ đã đưa The Eagles trở lại với sân chơi cấp cao nhất xứ sương mù.
Những dấu ấn của Ian Holloway là khá rõ nét trong việc giúp Palace thăng hạng, tuy nhiên ông lại không thể thích nghi nổi với những sự khắc nghiệt tồn tại nơi đấu trường Premier League. Ông chỉ có được 1 chiến thắng duy nhất tại EPL, trước khi chính thức rời đi vào 10/2013 sau khi cả 2 bên đều nhất trí với việc chấm dứt hợp đồng. Tổng cộng, Holloway đã dẫn dắt Palace 46 trận, trong đó có 14 chiến thắng, 18 trận thua cùng 14 kết quả hòa.
Hạng 5: Alan Pardew – Hai thái cực trong mùa 2015/2016
Alan Pardew từng là một cầu thủ Crystal Palace, thậm chí là thành viên của đội hình The Eagles lọt vào chung kết FA Cup năm 1990. 15 năm sau, ông lại có dịp được trở về mái nhà xưa trên một cương vị mới.
Chiến lược gia 59 tuổi chính thức trở thành huấn luyện viên Crystal Palace vào ngày 3/1/2015, và ông lập tức đã để lại dấu ấn của mình khi giúp đội bóng áo sọc đỏ lam về đích ở vị trí thứ 10 mùa 2014/2015. Trong nửa sau của mùa giải năm đó, họ thắng 10/18 trận tại Premier League.
Những bại tướng của Crystal Palace thậm chí bao gồm cả 3 ông lớn Tottenham Hotspur, Manchester City cùng với Liverpool. Đáng chú ý, trận đấu mà họ đánh gục The Kops với tỷ số 3-1, đó cũng là khi người ta được chứng kiến lần cuối cùng huyền thoại Steven Gerard thi đấu trên thánh địa Anfield.
Sang đến mùa giải 2015/2016, với những sự bổ sung chất lượng là Yohan Cabaye, Bakary Sako và Connor Wickham, họ đã có giai đoạn lượt đi đẹp như mơ. Đến giai đoạn Giáng Sinh, họ xếp ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng, và được xem là một trong những ứng viên có khả năng cao sẽ đoạt được chiếc vé dự Europa League.
Thế nhưng trong giai đoạn lượt về, mọi thứ được gói gọn trong hai từ thảm họa. Với việc chỉ giành được 3 điểm sau 12 trận tại Premier League, Palace rơi xuống vị trí thứ 16 trên bảng xếp hạng, chỉ hơn nhóm cầm đèn đỏ vỏn vẹn 3 điểm. Dù sau đó, đoàn quân của Alan Pardew này đã có chiến thắng quan trọng trước Norwich City, để loại trừ nguy cơ phải xuống chơi ở Championship. Song khi đó, lòng tin dành cho vị huấn luyện viên Crystal Palace này đã không còn nhiều.
Khi mùa giải 2016/2017 khởi tranh, tương lai của Alan Pardew đã bị đồn đoán không ít, nhất là khi họ thua cả 2 trận mở màn. Dù sau đó, mọi thứ đã tạm lắng xuống với chuỗi 5 trận bất bại, song việc Crystal Palace phơi áo cả 6 trận tiếp theo đã khiến cho hành trình của Pardew cùng đại diện nam London chính thức đi đến hồi kết.
Hạng 4: Dougie Freedman – Người đặt nền móng cho triều đại Ian Holloway
Khi còn theo nghiệp quần đùi áo số, Freedman được xem là một người hùng của Crystal Palace. Và trên cương vị huấn luyện viên, ông tiếp tục để lại những dấu ấn khó quên trong lòng các fan.
Freedman là nhân tố chủ chốt trong đội ngũ huấn luyện Palace, trong mùa giải 2009/2010, năm mà họ đã thoát khỏi việc phải xuống chơi tại League One. Sau đó, ông trở thành trợ lý của George Burley, và rồi đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên Crystal Palace tạm quyền khi Burley bị sa thải, trước khi được bổ nhiệm chính thức.
Mùa giải 2010/2011, Freedman đã giúp Crystal Palace trụ hạng thành công ở Championship với vị trí thứ 20. Đến mùa 2011/2012, với những tân binh như Glenn Murray và Mile Jedinak, họ đã cải thiện thành tích tới 3 bậc. Thế nhưng chiến tích lớn nhất của họ trong năm đó, đấy là đánh bại Manchester United của Sir Alex Ferguson tại tứ kết cúp Liên Đoàn.
Mùa hè năm 2012, một cuộc thay máu đội hình lớn đã diễn ra, Joel Ward, Yannick Bolasie, Peter Ramage, Andre Moritz và Damien Delaney là những người đã cập bến Selhurst Park, trong khi đó ở chiều ngược lại, Darren Ambrose cùng Nathaniel Clyne đã rời đi. Mọi chuyện sau đó diễn ra khá thuận lợi với đoàn quân do HLV Freedman dẫn dắt, dẫu vậy, nhà cầm quân sinh năm 1974 đã gây sốc khi chạy theo tiếng gọi của Bolton.
Dù thời điểm đó đã có những sự không hài lòng từ các cổ động viên với quyết định của huấn luyện viên Crystal Palace Freedman, nhưng ai cũng phải công nhận những giá trị ông tạo dựng đã trở thành tiền đề để sau này, Ian Holloway giúp họ trở lại với sân chơi Premier League.
Hạng 3: Sam Allardyce – Huấn luyện viên Crystal Palace nổi tiếng nhất
Trong số những cái tên từng dẫn dắt đội bóng thủ đô nước Anh, ‘Big Sam’ chắc chắn là người quen thuộc với các fan bóng đá nhất. Sam Allardyce là một vị chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm, và chính vì lẽ đó, Crystal Palace đã mời ông về Selhurst Park với hy vọng tránh thoát khỏi viễn cảnh phải xuống hạng.
Allardyce chính thức được bổ nhiệm vào 23/12/2016, thời điểm mà The Eagles chỉ hơn nhóm cầm đèn đỏ đúng 1 điểm mà thôi, và việc đặt niềm tin vào ‘Big Sam’ đã đem lại quả ngọt cho câu lạc bộ áo sọc đỏ lam. Sau 6 trận đấu, Crystal Palace đã có được chiến thắng đầu tiên trong triều đại mới khi đánh hạ Bournemouth với tỷ số 2-0 ở ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa đông.
Cùng hôm ấy, họ ký hợp đồng dài hạn với Luka Milivojevic, đồng thời mượn thành công Mamadou Sakho của Liverpool. Bộ đôi này, cùng với 2 tân binh Jeffrey Schlupp và Patrick van Aanholt đã trở thành những nhân tố đóng vai trò then chốt trong việc giúp Crystal Palace ‘sống sót’ ở cuộc đua trụ hạng.
Dưới thời Allardyce, Crystal Palace đã cải thiện vượt bậc so với trước đó, đặc biệt là khâu phòng ngự. Bên cạnh đó, ông cũng giải phóng con mãnh thú bên trong Christian Benteke, giúp tiền đạo này ghi tới 17 bàn trong mùa đầu thi đấu cho Palace. Ngoài ra, cựu thuyền trưởng Bolton còn cùng các học trò làm nên những chiến tích không tưởng, đó là khiến nhà đương kim vô địch Chelsea phơi áo ngay trên thánh địa Stamford Bridge, đốn hạ Liverpool ở Anfield, đồng thời chôn vùi Arsenal trong cuộc tiếp đón Pháo thủ ở Selhurst Park.
Hạng 2: Tony Pulis – Vực dậy Palace từ đáy vực
Giống như Sam Allardyce, Tony Pulis cũng đến với Crystal Palace khi đội bóng này đang ở vào một tình cảnh vô cùng ngặt nghèo. Đó là vào tháng 11/2013, khi đó The Glaziers thậm chí còn nằm trong nhóm cầm đèn đỏ và cách đội bóng xếp thứ 17 đúng 3 điểm.
Với những chữ ký quan trọng trong 5 ngày sau cùng của kỳ chuyển nhượng Đông là Scott Dann, Joe Ledley, Jason Puncheon cùng với Tom Ince, Tony Pulis đã tăng cường sức mạnh cho Palace ở cả khâu tấn công lẫn phòng ngự. Họ đã có 5 chiến thắng ấn tượng liên tiếp trước Chelsea, Cardiff City, Aston Villa, Everton và West Ham để trụ hạng thành công trong mùa 2013/2014.
Tháng 4/2014, nhà cầm quân người xứ Wales nhận giải huấn luyện viên hay nhất tháng do PFA bầu chọn. Ông cũng là chủ nhân của danh hiệu thuyền trưởng xuất sắc nhất Ngoại Hạng Anh, khi có được 12 chiến thắng trong tổng số 28 trận dẫn dắt câu lạc bộ nam London.
Dẫu vậy, triều đại của Tony Pulis không kéo dài lâu, khi mà vì không được thượng tầng đội bóng đáp ứng một số yêu cầu chuyển nhượng, Pulis đã nói lời chia tay với sân Selhurst Park. Có thể nói, đây là một sự chia tay vô cùng đáng tiếc, bởi nếu Pulis tiếp tục ở lại, tương lai tốt đẹp chắc chắn sẽ chờ họ ở phía trước.
Hạng 1: Roy Hodgson – Người cha già tại Selhurst Park
Người đứng đầu trong danh sách này, đó là Roy Hodgson. Ông được tin tưởng trao quyền vào ngày 12/9/2017, và vẫn đang tiếp tục tại vị. Tiếp quản một Crystal Palace suy tàn dưới trướng Frank de Boer trước đó, mọi chuyện thuở đầu diễn ra chẳng suôn sẻ với Hodgson, khi họ thua cả 3 trận mở màn, không ghi được bất cứ bàn thắng nào, và là đội có khởi đầu tệ nhất trong số 20 câu lạc bộ góp mặt tại Premier League mùa giải 2017/2018.
Tuy thế, Hodgson cùng với những người trợ lý của mình là Ray Lewington cùng Steven Reid đã từng bước giúp The Glaziers trở thành một đội bóng giàu tính tổ chức và chắc chắn hơn trong khâu phòng ngự. Những kết quả của Palace cũng theo đó mà ngày một tốt dần lên, để rồi sau cùng, họ có được vị trí thứ 11 chung cuộc.
Đáng nói hơn, dưới thời Hodgson, Crystal Palace hướng đến hình ảnh một đội bóng giàu tính giải trí với những nhân tố như Wilfried Zaha, Ruben Loftus-Cheek (hiện được Chelsea cho mượn ở Fulham) và Yohan Cabaye (đang tạm thất nghiệp). Đây là 3 cái tên có vai trò quan trọng trong cách tấn công của The Eagles trong mùa giải 2017/2018. Bước sang mùa giải 2018/2019, đó tiếp tục là một năm thành công của Hodgson cùng các học trò, khi họ giành được 49 điểm để chiếm lấy vị trí thứ 12, chỉ thiếu 3 điểm để lọt vào nửa trên của bảng xếp hạng. Mùa giải năm ngoái, họ tiếp tục tránh xa nhóm ‘đội sổ’ khi có được vị trí thứ 14.
Không những thành công về mặt chuyên môn, Roy Hodgson còn có khả năng quản trị con người cực tốt, khi ông nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ các học trò. Về phía ban lãnh đạo, họ cũng trao cho ông niềm tin rất lớn, đồng thời có những chiến lược dài hạn để phát triển triều đại Roy Hodgson. Thậm chí vì những đóng góp của mình, nhà cầm quân sinh năm 1947 còn được Hội đồng thành phố Croydon trao giải Freedom of the Borough – vinh dự chỉ được trao tặng khi một cá nhân tạo ra những giá trị đặc biệt cho cộng đồng.
Trên đây là bảng xếp hạng các huấn luyện viên Crystal Palace trong 1 thập niên đã qua mà Thethaoso muốn chia sẻ cùng mọi người. Còn với quý độc giả, các bạn có đồng ý với bảng xếp hạng của chúng tôi hay không?