Chứng kiến màn thăng tiến chóng mặt của bóng đá Việt Nam từ đầu năm 2018 dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, người Thái dường như đã “học lỏm” chúng ta bằng cách bổ nhiệm HLV Akira Nishino vào giữa năm 2019.
Người Thái “copy” công thức thành công của Việt Nam và thầy Park ra sao?
Có thể khẳng định rằng Người Thái đã “copy” mô hình của Việt Nam. Bởi lẽ cũng giống như mô hình mà chúng ta áp dụng với thầy Park khi một HLV quản lý nhiều đội tuyển từ U23, Olympic tới ĐTQG, người Thái cũng giao toàn quyền lãnh đạo các cấp độ đội tuyển cho HLV người Nhật Bản.
Chưa kể một điểm chung khác của 2 chiến lược gia là thành tích ở ĐTQG trước khi đến dẫn dắt Việt Nam và Thái Lan. Cụ thể thầy Park từng là trợ lý của HLV Guus Hiddink ở World Cup 2002 và giúp Hàn Quốc xếp thứ 4.
Akira Nishino năm 2018 là HLV trưởng tuyển Nhật Bản và giúp họ lọt vào vòng 16 đội với lối đá khá ấn tượng. Rõ ràng nếu xét một cách chi ly, thành tích của thuyền trưởng người Nhật còn có phần trội hơn HLV trưởng của Việt Nam.
Đó là lý do Người Thái rất tự tin khi có được chữ ký của ông vào mùa hè năm 2019. Thời điểm họ bổ nhiệm HLV Nishino diễn ra vào khoảng một năm rưỡi sau khi Park và các học trò lần lượt ghi dấu ấn tại U23 châu Á, Asian Cup, AFF Cup hay Asiad 2019.
Màn copy thảm họa của Voi Chiến
Ngày 17/7/2019, LĐBĐ Thái Lan chính thức bổ nhiệm HLV Akira Nishino vào ghế thuyền trưởng ĐTQG lẫn U23. Quyết định khiến NHM trên khắp quốc gia này tỏ rõ vẻ phấn khích, bởi các cầu thủ của họ sắp nhận được sự chỉ dẫn từ người đã đưa Nhật Bản vào vòng knock-out World Cup 2018 và khiến cho tuyển Bỉ toát mồ hôi. Những CĐV Thái Lan kỳ vọng đây sẽ là bước ngoặt đưa bóng đá xứ sở Chùa Vàng trở lại sau hơn 2 năm bị bóng đá Việt Nam vượt mặt.
Thế nhưng sau tất cả, những gì thu được chỉ là nỗi thất vọng. Nhiệm kỳ của HLV sinh năm 1955 tại Thái Lan diễn ra không suôn sẻ và có khá nhiều sóng gió. Dưới sự dẫn dắt của HLV Nishino, Thái Lan sớm bị loại khỏi vòng bảng SEA Games 2019 tại Philippines. Áp lực với HLV Nishino càng trở nên lớn hơn khi tuyển Thái Lan thi đấu không tốt ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khi chỉ xếp thứ 4 tại bảng G, đứng sau cả Malaysia.
Thành công mà vị HLV này đạt được có chăng là việc giúp Thái Lan lọt vào vòng tứ kết U23 châu Á 2020. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu đi đến vòng bán kết mà LĐBĐ Thái Lan (FAT) đặt ra, ông Nishino cũng coi như cũng không hoàn thành nhiệm vụ.
Sau đó, trong thời gian tuyển Thái Lan nghỉ thi đấu quốc tế vì dịch COVID-19, ông thầy người Nhật Bản khiến truyền thông xứ Chùa Vàng khó chịu khi hồi hương và chậm trở lại Thái Lan làm việc. Mối quan hệ giữa hai bên thêm căng thẳng khi HLV Nishino có những lời đáp trả báo chí gay gắt.
Tất cả những sự việc trên góp phần khiến “giọt nước tràn ly”. Tối ngày 29/7, trang chủ của FAT đã chính thức đưa tin về quyết định sa thải vị chiến lược gia 66 tuổi. Với việc bị chấm dứt hợp đồng trước 6 tháng, HLV Nishino được đền bù 16,5 triệu bath (tương đương 11,5 tỷ đồng).
Cái kết đắng ngắt cho sự ảo tưởng của người Thái
Thất bại của bóng đá Thái Lan trong thời gian gần đây không đồng nghĩa với việc HLV Nishino là người bất tài. Nếu thế thì ông đã không giúp Nhật Bản trở thành đội châu Á duy nhất tại World Cup 2018 lọt đến vòng 1/8.
Đến với Thái Lan, lối chơi ban bật mà ông mang tới đội tuyển này trong những trận đầu vòng loại World Cup thực sự ấn tượng. Thái Lan từng có thời điểm dẫn đầu bảng G vòng loại thứ hai World Cup, trước khi sụp đổ ở giai đoạn sau. Chính tuyển Việt Nam cũng không thắng được Thái Lan sau cả 2 lần đối đầu ở vòng loại này.
Có thể thấy, Thái Lan trong tay HLV Nishino vẫn là một tập thể hùng mạnh, nhưng họ vẫn chưa mạnh đến mức để trở về thời kỳ hoàng kim trong thời gian ngắn.
Khi FAT ký kết với HLV Nishino, đó là lúc họ đã quá chướng mắt với những gì Việt Nam vừa làm được: Á quân U23 châu Á 2018, vào đến bán kết Asiad trong cùng năm. ĐT Việt Nam cũng là một trong 8 anh hào mạnh nhất tại Asian 2019. Vị thế số 1 Đông Nam Á cũng vì thế mà không thoát khỏi tay Những Ngôi Sao Vàng.
Nhìn vào cục diện đó, FAT kỳ vọng HLV Nishino có thể mang đẳng cấp World Cup của mình để giúp Thái Lan lật đổ ngai vàng đó. Thế nhưng, lời nói khác với hành động. Chính những người làm bóng đá Thái Lan lại đẩy ông Akira vào thế khó.
Không như ông Park, HLV Nishino không được sự hậu thuẫn nhiệt liệt từ FAT. Nếu như HLV Park Hang-seo có vị trợ lý đắc lực như Lee Young-jin, thì vị chiến lược gia người Nhật Bản lại gần như cô độc trên đất Thái. Đây có lẽ là sự bất cẩn, hay cũng có thể là sự tự tin thái quá của FAT khi tin rằng một mình ông Nishino có thể đảm bảo hết ngần ấy công việc.
Chính bởi sự cô độc này cũng góp phần tạo nên vụ lùm xùm trong thời gian vừa qua. Trong thời đại công nghệ thông tin, thật khó để tin rằng FAT có thể mất liên lạc với HLV trưởng tuyển quốc gia cả tuần lễ. Càng khó tin hơn khi Nishino dường như chẳng có phương tiện nào để phủ định những cáo buộc của lãnh đạo FAT.
Bản thân Nishino cũng không có nhiều liên hệ cá nhân với bóng đá Thái Lan. Rất nhiều lần trong thời gian làm việc tại Thái, nhà cầm quân này đã phải lên tiếng về tình hình Thái Lan thông qua công ty đại diện tại Nhật Bản.
Nếu như ông Park tại Việt Nam có sự liên kết chặt chẽ với VFF, thì dường như FAT và ông Nishino lại tách ra theo 2 hướng riêng biệt. Cách đối xử của FAT đối với các thuyền trưởng cũng không giống VFF. Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung vốn rất nổi tiếng với việc chĩa mũi dùi về phía các HLV, đã nhiều lần thể hiện quan điểm trái chiều với HLV Nishino, giống hệt các chỉ trích của ông với Kiatisak năm xưa.
Tất nhiên mỗi khi có thất bại, HLV sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng trong trường hợp lần này, LĐBĐ Thái Lan cũng cần nhìn lại chính mình để có hướng đi đúng đắn hơn.