Có một điều mà chắc hẳn người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đã từng nghe đó là kỷ nguyên thống trị bóng đá châu Âu của Real Madrid có “dấu tay” của vị tướng độc tài Franco.
Nhưng sự thật nhà độc tài nhất Tây Ban Nha trong giai đoạn 1939-1975 thực sự có nhúng tay vào những thành công của Los Blancos? Câu trả lời là “Có” và “Không”.
Cả người trong cuộc và người ngoài cuộc đã nói rất nhiều về vấn đề một thời đại hoàng kim của Real Madrid có sự tác động rất nhiều khi Franco còn nắm chính quyền.
Họ nói rằng Franco đã hỗ trợ tài chính cho đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha để xây sân vận động Santiago Bernabeu thời bấy giờ, lúc đầu mang tên Nuevo Chamartin, năm 1947. Họ cũng nói rằng nhờ chính quyền Franco mà Los Blancos mới có thể mang về danh thủ Alfredo Di Stefano trước đại kình địch Barcelona.
Kèm theo đó là trận đấu không thể nào quên của “The Cules”. Một trận đấu nổi tiếng với sự “chen ngang” của các bộ máy chính trị (tiền thân của Cúp Nhà Vua) năm 1943, mà Barca thua Los Blancos với tỷ số 1-11 dưới sức ép của quân đội và cảnh sát.
Hầu hết những câu chuyện nói trên đều không có bằng chứng cụ thể. Sau khi kết thúc cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha vào năm 1939, chính quyền của xứ sở đấu bò vẫn còn bị chia cách một cách rất nghiêm trọng.
Chính quyền Franco đóng đô ở thành Madrid, luôn tìm cách chèn ép, dập tắt những vùng tự trị cùng với chính quyền ly khai, đặc biệt tại xứ Catalunya và xứ Basque.
Và bóng đá cũng không thể không bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị căng thẳng tại Tây Ban Nha. CLB Barca đã bị bắt gỡ bỏ huy hiệu Catalan trên phần lá cờ của mình, trong khi việc nói tiếng Catalunya, Galicia và Basque hoàn toàn bị cấm trên các sân cỏ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thành tích trên sân cỏ là một câu chuyện hoàn toàn khác đối với Real Madrid.
Thực tế trong khoảng 14 năm đầu ở chế độ Franco, Real Madrid chưa bao giờ lên ngôi vô địch ở La Liga. Trong 14 mùa giải từ 1939/40 đến 1952/53, đội bóng đăng quang La Liga nhiều nhất chính là Barcelona (5), xếp sau là Atletico (4), Valencia (3), Sevillla và Bilbao (cùng 1).
Suốt khoảng thời gian đấy, Real Madrid đang chìm đắm trong khó khăn, khủng hoảng với một đội hình yếu đuối, một sân vận động bị tàn phá và từng bị biến thành nhà tù trong chiến tranh.
Los Blancos thậm chí còn đối mặt với trạng thái căng thẳng từ chính quyền, do mối quan hệ gần gũi với Hoàng gia Tây Ban Nha lúc đó đang lưu vong.
Tương lai của Real Madrid mới thật sự tươi sáng sau sự xuất hiện của Santiago Bernabeu. Vị chủ tịch huyền thoại này không chỉ giúp “còn thuyền đang đắm” vượt biển thành công, mà còn góp công vào ý tưởng xây dựng sân vận động lớn nhất châu Âu thời bấy giờ.
“Don Santiago” cũng chính là người mang về những cầu thủ giỏi nhất thời đó như Hector Rial, Miguel Munoz, Paco Gento, Alfredo Di Stefano, Raymond Kopa, Jose Santamaria, Didi và Ferenc Puskas. Và may mắn cũng bắt đầu mỉm cười với Los Blancos, mở đầu là chức vô địch Copa Latina năm 1955.
Đây chính là danh hiệu đầu tiên khiến Real Madrid bắt đầu lọt vào mắt xanh của chế độ Franco, khi họ nhận được huy chương Cruz del Yugo nhờ thành công lớn đầu tiên ở nước ngoài.
Năm 1955 là thời điểm đánh dấu bước chuyển mình trong mối quan hệ giữa Real Madrid với chính quyền độc tài. Chủ tịch Bernabeu đã là bạn của tướng Agustin Munoz Grandes từ lâu, một loạt tướng lĩnh cấp cao cũng góp mặt trong ban lãnh đạo của CLB.
Những câu truyện sau này xoay xung quanh câu lạc bộ cũng thuộc một phần lịch sử. Real Madrid liên tục làm mưa làm gió tại La Liga, và cũng thống trị châu Âu với 6 chiếc Cúp C1, trong đó có 5 danh hiệu liên tiếp từ mùa 1955/56 đến 1959/60.
Tuy nhiên, có phải nhờ chế độ của Franco mà Real Madrid mới có thể thành công như vậy? Câu trả lời cũng có thể là CÓ, khi chính quyền Tây Ban Nha đã thừa nhận rằng có can thiệp vào vụ chiêu mộ Di Stefano.
Nhưng nhiều người hâm mộ cũng nói là KHÔNG, khi cho rằng nhờ sự tài giỏi của ngài chủ tích đại tài Bernabeu nên mới có được Real Madrid ngày hôm nay. Và trước khi giành được các danh hiệu, Copa Latina năm 1955 chính là cột mốc đầu tiên mà “Kền kền trắng” đã chinh phục được mà chưa có sự can thiệp của chính quyền Franco.