Đã từng có một trận cầu giao hữu giữa Bilbao với một đội bóng Mexico trên sân vận động Mỹ, đây chỉ là một trận đấu giao hữu trước mùa giải bình thường và diễn ra song song giải International Champions Cup, nhưng khán giả vùng Idaho vẫn kéo đến sân nườm nượp để theo dõi trận đấu.
Những cổ động viên không phải là người xứ Basque, nhưng họ cổ vũ cho CLB Bilbao rất nồng nhiệt. Ở bất cứ đâu, Bilbao cũng đều được kính nể, tông trọng riêng bởi vì triết lý bóng đá “cantera” rất được lòng các tín đồ bóng đá của họ.
“Cantera” là một quy luật, sự tồn tại, triết lý sống của cả đội bóng Athletic Bilbao: “say no” với các cầu thủ không có gốc Basque. Chỉ có những tài năng ở bản địa mới được trao cơ hội gia nhập đội trẻ của Athletic Bilbao.
Có rất nhiều lò đào tạo cầu thủ trẻ ở đó, nhằm phục vụ cho đội bóng khi cần thay thế các đàn anh đi trước. Họ không được phép và cũng không ai muốn thay đổi cái triết lý từ lâu đời ấy. Ở nơi mà mọi người dân luôn đề cao tính vùng miền, tinh thần dân tộc trong đời sống lẫn cả bóng đá.
Bilbao còn hơn là một đội bóng, Bilbao là biểu tượng của một chủ nghĩa, là tôn giáo, là tiếng nói của cả một vùng đất phía Bắc Tây Ban Nha. Người Bilbao đã và đang muốn hướng đến một đội bóng mang tính cộng đồng hơn, một mô hình cộng hòa thu nhỏ, nơi mỗi cầu thủ khi ra sân được xem là đứa con, hạt giống của San Mames, hằng ngày chứng kiến những cầu thủ chung quê hương của mình thi đấu.
Có một câu chuyện thể hiện sự đồng lòng giữa đội bóng và các cổ động viên của đội bóng. Vào năm 2006, khi đang đứng trước bờ vực phải xuống hạng, 80% cổ động viên tuyên bố thà chấp nhận xuống hạng còn hơn thay đổi triết lý của đội bóng. Liệu trên thế giới có đội bóng nào giống đội bóng này?
Đội bóng ấy hằng ngày vẫn sản sinh ra những cầu thủ bản địa tài năng, gắn kết và cùng nhau xây dựng nên bản sắc của đội bóng toàn cầu thủ xứ Basque, chuyền nhanh, chuyền trực tiếp, và phòng ngự chặt chẽ.
Sau 100 năm, với những con người cùng một ngôn ngữ, cùng tông giọng Biscay hay Gipuzkoa, lối chơi của họ vẫn mượt mà và không hề thay đổi. Tre già măng mọc, từ lớp thế hệ của Zarra, Parizo đến Iribar, rồi sang Zubizarreta, Etxebarria, và bây giờ là Muniain, Mikel San Jose, de Marcos, Aduriz. Bilbao tự sản sinh và đào tạo những tài năng bởi chính mình. Và có một điều đặc biệt, chính những cầu thủ của họ là những người được gọi lên tuyển Tây Ban Nha nhiều nhất, không phải là Barca lẫn Real Madrid.
Họ vẫn sừng sững ở đó, suốt gần 100 năm với La Liga như một biểu tượng trường tồn song hành cùng giải đấu lâu đời này.
Kính nể là thế, nhưng nhiều người thấy tội cho đội bóng này. Bilbao được ví như là một người đàn ông hăng say lao động, luôn tin rằng những hạt mầm mình gieo vào trong đất, có ngày sẽ cho ra những quả ngọt mặc dù có bao nhiêu khó khăn, lão vẫn giữ vững lập trường của mình.
Đó cũng là tính cách đặc trưng của người ở xứ Basque, rất ít giao thương với bên ngoài. Trong cái thế giới toàn cầu hóa này, khi mà luật Bosman vẫn đang được ban hành, các cầu thủ trong khu vực Euro tự do di chuyển đến các câu lạc bộ ngoại quốc cũng như xóa sổ luật hạn chế cầu thủ nước ngoài.
Thực ra vài năm trở lại đây, Athletic Bilbao đã nới lỏng triết lý “cantera” đi rất nhiều. Bilbao không cần đào tạo từ trẻ, họ chấp nhận luôn những người gốc Basque ở các CLB khác, miễn là họ đến từ Biscay, Gipuzkoa, Navarre ở Tây Ban Nha và Labourd, Soule, Hạ Navarre thuộc Pháp như Patxi Ferreira. Họ cũng đã phóng khoáng hơn rất nhiều về trường hợp Lizarazu, tiền vệ từng thi đấu cho Bayern.
Và đến bay giờ, Jonas Ramalho, một wonderkid của xứ Basque là trường hợp da màu đầu tiên thi đấu cho Bilbao, và điều đặc biệt hơn khi anh lên đội 1 từ lúc 14 tuổi. Tuy vậy, mục tiêu chuyển nhượng của Bilbao vẫn rất hạn chế và nếu muốn, bạn chỉ có thể mời những mục tiêu khả dĩ như Ruffier của St. Etienne, hay nhiều lắm là mua những cầu thủ Basque rải rác từ CLB Sociedad từ đối thủ của họ, trừ Etxeberria, tất nhiên là họ không bán!
Với chỉ khoảng 2,6 triệu người gốc Basque, thật khó để tìm ra được dàn cầu thủ chất lượng để phục vụ cho đội bóng. Với tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, các tuyển trạch viên phải đến từng ngõ ngách để có thể tìm thấy được những tài năng chưa được ươm mầm, có khát khao cháy bỏng và sở hữu tinh thần trách nhiệm.
Như ông Iribar đã chia sẻ: “Các cậu bé của chúng tôi đang tập luyện chăm chỉ để sẵn sàng cho các trận đấu sớm nhất”, Bilbao bây giờ phải giữ những cái đầu thôi bay và những đôi chân trên mặt đất.
Athletic Bilbao là đội duy nhất tại La Liga có đội 2 đang thi đấu cho giải hạng 2 ở Tây Ban Nha. Mặc dù đối với họ danh hiệu là một thứ gì đó khá xa xỉ, nhưng trên hết đó là bản sắc, là món ăn tinh thần, là sự đồng lòng của toàn dân, là tôn giáo của cả một vùng đất, một vùng lãnh thổ.
- Xem thêm: Lịch thi đấu La Liga