1. Nicolas Pepe hồi sinh mạnh mẽ
Mùa Hè năm 2019, Arsenal đã phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của CLB khi chi ra 72 triệu bảng để chiêu mộ Nicolas Pepe từ Lille. Tuy nhiên ngôi sao người Bờ Biển Ngà lại chưa cho thấy anh xứng đáng với số tiền mà BLĐ Pháo thủ bỏ ra để chiêu mộ mình. Phong độ của Pepe tại Emirates là hết sức phập phù.
Tuy nhiên trong 1 tuần trở lại đây, Pepe đang trải qua những ngày tháng có lẽ là đẹp nhất kể từ khi cập bến Emirates. Ở trận tứ kết lượt đi, anh là người ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Slavia Praha. 3 ngày sau, Pepe lại đặt dấu ấn khi pha đi bóng kỹ thuật và dứt điểm hiểm hóc của anh đã tạo điều kiện cho tài năng trẻ Martinelli đá bồi làm tung lưới Sheffield.
HLV Mikel Arteta quyết định “tưởng thưởng” cho Pepe bằng suất đá chính trong trận lượt về. Không phụ sự kỳ vọng, tiền đạo 25 tuổi đã có 1 bàn thắng tinh tế và 1 pha kiến tạo, góp công lớn giúp Pháo thủ giành chiến thắng tưng bừng 4-0. Pepe đã đặt dấu ấn vào 9 bàn thắng của Arsenal tại Europa League mùa này (5 bàn, 4 kiến tạo), cao nhất giải đấu, bằng với Borja Mayoral (7 bàn, 2 kiến tạo) của Roma.
2. “Cơn lốc đường biên” Bukayo Saka
Ngôi sao 19 tuổi đã kịp bình phục và góp mặt trong đội hình xuất phát. Với việc Emile Smith Rowe trở lại và chơi ở vị trí hộ công, Saka được bố trí thi đấu ở hành lang cánh phải quen thuộc.
Ở trận đấu này, Saka lại có màn trình diễn vô cùng ấn tượng. Xuyên suốt 78 phút góp mặt trên sân, cầu thủ 19 tuổi nhiều lần gây khó khăn lên hàng thủ Slavia Prague bằng tốc độ và khả năng rê dắt khéo léo.
Phút 14, tiền vệ người Anh có pha đi bóng tốc độ bên cánh phải, sau đó cắt vào trong và tung ra cú dứt điểm, đáng tiếc bóng dội cột dọc. Cú đá bồi sau đó của Smith Rowe không được công nhận vì lỗi việt vị. Tuy nhiên không phải chờ đợi quá lâu khi chỉ 10 phút sau đó, Saka đã điền tên mình lên bảng tỷ số bằng pha bóng tương tự, nâng tỷ số lên 3-0 cho Pháo thủ.
3. Alexandre Lacazette rực sáng
Tiền đạo người Pháp là cái tên bị chỉ trích nhiều nhất ở trận lượt đi khi phung phí rất nhiều cơ hội, khiến Arsenal không thể tìm kiếm được lợi thế trên sân nhà. Thế nhưng chỉ 1 tuần sau, Lacazette đã lập tức đập tan những chỉ trích bằng màn trình diễn chói sáng.
Chân sút 29 tuổi nhân đôi cách biệt cho Pháo thủ trên chấm phạt đền. Sau đó anh ấn định thắng lợi 4-0 sau một pha xử lý khéo léo trong vòng cấm từ đường chuyền của Pepe. Trong bối cảnh Pierre-Emerick Aubameyang không thể góp mặt vì vấn đề sức khỏe, Lacazette vẫn làm rất tốt nhiệm vụ dẫn dắt hàng công của đội bóng thành London.
4. Slavia Prague chỉ còn biết tự trách mình
Đại diện của Cộng hòa Séc được xem là hiện tượng của giải đấu khi trước đó họ lần lượt hạ gục 2 ông lớn Leicester City và Rangers theo cùng 1 là kịch bản hòa lượt đi và thắng lượt về. Slavia Prague tưởng chừng như sẽ làm điều tương tự với Arsenal khi họ hòa 1-1 ngay trên SVĐ Emirates trong trận lượt đi.
Thế nhưng thay vì chọn cho mình lối chơi phòng ngự chắc chắn để bảo toàn lợi thế, HLV Jindrich Trpisovsky lại chỉ đạo các học trò đánh phủ đầu sau tiếng còi khai cuộc. Kế hoạch của Slavia Prague đã thất bại. Việc phải nhận 3 bàn thua liên tiếp từ phút 18 đến phút 24 đã khiến đội chủ nhà vỡ trận. Hàng công của họ cũng có ngày thi đấu yếu kém khi không tung ra được cú dứt điểm nào đi trúng đích.
5. Màn tái ngộ đầy duyên nợ ở vòng bán kết
Đối thủ của Arsenal ở vòng bán kết chính là Villarreal – CLB đang được dẫn dắt bởi “người cũ” Unai Emery. Chiến lược gia người Tây Ban Nha từng bị Pháo thủ sa thải vào tháng 11/2019 và Mikel Arteta đã được chỉ định thay thế ngay sau đó.
Tàu ngầm vàng chưa bao giờ lọt vào trận chung kết ở một giải đấu lớn tại châu Âu nhưng Emery là người lý tưởng để giúp họ thành công. Vị HLV người Tây Ban Nha đã 3 lần nâng cao danh hiệu Europa League khi dẫn dắt Sevilla, đồng thời lọt vào trận chung kết năm 2019 với Arsenal – trận đấu kết thúc với thất bại 1-4 của Arsenal trước Chelsea ở Baku. Rõ ràng, đối đầu với Emery sẽ là thử thách vô cùng khó khăn với Pháo thủ thành London vào thời điểm này.